TRẢ LỜI: LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH

"Xe máy tham gia giao thông mà quên mang bảo hiểm xe máy thì bị phạt bao nhiêu?" - Không phải ai cũng am hiểu, rõ ràng từng quy định liên quan đến xử phạt vi phạm an toàn giao thông. Dưới đây, VietLawyer xin chia sẻ quy định về xử phạt đối với hành vi tham gia giao thông không mang bảo hiểm xe máy. 1. Khi điều khiển phương tiện cần mang theo các giấy tờ: Căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: - Đăng ký xe. - Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55  Luật Giao thông đường bộ 2008. - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Như vậy, khi tham gia giao thông thì người lái xe phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 2. Xử phạt hành vi không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Điều 23. Phạt tiền – Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) 1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. 2. Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương thức sau đây, nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa quy định tại Điều 24 của Luật này: a) Xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa; b) Xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính. 3. Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này. 4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Thủ tục làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tử tuất  2023 1. Chế độ tử tuất là gì? Chế độ tử tuất là là chế độ mà Bảo hiểm xã hội bù đắp phần thu nhập của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, đang hưởng lương hưu,… không may qua đời. Chế độ này sẽ giúp đảm bảo cho cuộc sống nhân thân của người lao động và giải quyết các chi phí phát sinh khác. 2. Chế độ trợ cấp mai táng Trợ cấp mai táng là trợ cấp quan trọng đầu tiên khi xét hưởng chế độ tử tuất. Cụ thể là khoản 1 Điều 66 thuộc Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện hưởng chế độ mai táng phí được quy định như sau: Đối tượng lao động khi qua đời mà người lo mai táng được nhận hỗ trợ mai táng 1 lần gồm: – Người lao động tham gia BHXH (Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, của Luật trên) đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH tuy nhiên đã có thời gian đóng từ 1 năm trở lên; – Người lao động mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; – Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp mai táng sẽ bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động qua đời. 3. Chế độ trợ cấp tuất Trợ cấp tuất bao gồm trợ cấp tuất một lần và trợ cấp tuất hàng tháng. Tùy vào trường hợp và xét trên những yêu cầu cụ thể mà nhân thân xác định mình được hưởng loại trợ cấp tuất nào. 3.1. Chế độ trợ cấp tuất một lần Dựa trên Điều 69 – Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng trợ cấp tuất một lần phụ thuộc số năm đã đóng BHXH, thời điểm tham gia và mức bình quân lương tháng đóng BHXH. Người lao động thuộc nhóm đối tượng nhận trợ cấp mai táng và phải thỏa những điều kiện sau mới được nhận trợ cấp tuất một lần, bao gồm: – Người lao động qua đời không nằm trong trường hợp hưởng tuất mỗi tháng. – Người lao động qua đời thuộc một trong các trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định. – Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định, có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần. (Trừ trường hợp có con nhỏ dưới 06 tuổi, có con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên). – Trường hợp người lao động qua đời mà không có thân nhân thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. 3.2 Chế độ bảo hiểm trợ cấp tuất hàng tháng Dựa trên Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện để được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng như sau. 3.2.1. Đối với người lao động đã mất Người lao động khi qua đời được hưởng trợ cấp mai táng và thuộc 1 trong những trường hợp dưới đây: – Đã đóng đủ 15 năm BHXH trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần; – Đang hưởng lương hưu; – Qua đời do tai nạn lao động hoặc do bệnh nghề nghiệp; – Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên. 3.2.2. Đối với thân nhân Thân nhân cũng phải phải đáp ứng 1 trong những điều kiện sau đây mới được nhận trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm: – Con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ 18 tuổi nhưng giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Hoặc con được sinh ra khi người bố chết, người mẹ đang trong giai đoạn mang thai. – Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc có chồng từ đủ 60 tuổi trở lên. Hoặc người vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. – Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; – Cha/mẹ đẻ, cha/mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 4. Hồ sơ xin trợ cấp tử tuất 4.1. Chuẩn bị hồ sơ Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: – Sổ bảo hiểm xã hội – Bản sao giấy chứng tử/ bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố của Tòa án người lao động đã qua đời còn hiệu lực pháp luật. – Tờ khai của nhân thân – Biên bản giám định của nhân thân về mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được cấp bởi Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng tương đương 81% trở lên. – Nếu qua đời do tai nạn hoặc nghề nghiệp thì cung cấp thêm biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc bệnh án có giám định y khoa. (Cần có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí nếu thanh toán phí hoặc bản kê nội dung giám định y khoa). 4.2. Địa điểm nộp hồ sơ trợ cấp tử tuất  Trong thời gian 90 ngày kể từ khi người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc qua đời thì thân nhân nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động. Do vậy, nếu người lao động qua đời khi đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì nhân thân nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Các trường hợp khác sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH. 4.3. Thời hạn giải quyết hồ sơ tử tuất  Cơ quan bảo hiểm có nghĩa vụ giải quyết hưởng chế độ tử tuất tối đa 08 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về chế độ bảo hiểm tử tuất. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666
Điều kiện, thủ tục xét cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam - Người nước ngoài lao động, học tập, làm việc tại Việt Nam thời gian dài có thể được xem xét cho đăng ký thường trú. Vậy trường hợp, điều kiện nào người nước ngoài được xét thường trú tại Việt Nam? Công ty Luật VietLawyer xin được tư vấn như sau: 1. Các trường hợp người nước ngoài được xét thường trú tại Việt Nam Theo Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 thì có 04 trường hợp người nước ngoài được xét thường trú tại Việt Nam gồm: - Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước; - Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam; - Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh; - Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. 2. Các điều kiện xét cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 quy định người nước ngoài muốn thường trú tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau: - Người nước ngoài quy định tại Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam; - Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị; - Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên. Theo điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 31/2015/TT-BCA, người nước ngoài đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 03 năm trở lên trong 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú. 3. Hồ sơ xét cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam - Đơn xin thường trú; - Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp; - Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú; - Bản sao hộ chiếu có chứng thực; - Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú quy định tại Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 ; - Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 . 4. Trình tự giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam - Người nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cho thường trú làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Nơi nộp hồ sơ quy định tại khoản 3 điều 5 Thông tư 31/2015/TT-BCA , cụ thể: + Người xin thường trú theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. + Người xin thường trú theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú. - Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng. - Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người xin thường trú và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú. - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người nước ngoài xin thường trú thông báo người nước ngoài được giải quyết cho thường trú. - Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, người nước ngoài phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú. Trên đây là điều kiện và thủ tục xét cho người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn liên hệ ngay với Công ty Luật VietLawyer để được tư vấn hỗ trợ.
Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích khác không phải để ở sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất ? Tôi nghe nói có quy định không được sử dụng căn hộ chung cư vào những mục đích không phải để ở, vậy nếu người ta vẫn dùng căn hộ chung cư vào những mục đích không phải để ở, để sinh sống thì sẽ bị xử phạt như thế nào vậy? - Anh Huy Hùng (Lâm Đồng).  Vietlawyer xin giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. Căn cứ khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm 11. Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ. Theo đó, pháp luật đã nghiêm cấm không được phép sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Vì vậy, nếu người sử dụng căn hộ chung cư vi phạm thì sẽ có những chế tài xử lý riêng. Cụ thể, theo Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư như sau: Điều 70. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với người sử dụng nhà chung cư 1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng của mình; b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; c) Kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc; d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định; đ) Hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định; e) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. 2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc lấn chiếm các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; b) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; d) Sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều này; b) Buộc chuyển kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ ra khỏi địa bàn dân cư hoặc buộc không sử dụng dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc buộc không kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc ở khu vực nhà chung cư với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; c) Buộc đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này; d) Buộc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; đ) Buộc trả lại phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; e) Buộc sử dụng đúng phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này. Lưu ý: Theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt tại điểm e khoản 1 Điều 70 được quy định trên đây là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân sẽ bằng 1/2 lần mức phạt tiền của tổ chức. Theo đó, nếu như sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng (áp dụng với tổ chức vi phạm). Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở. Trên đây là tư vấn của công ty Vietlawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666