Tiền sự là thuật ngữ không còn xa lạ trong các văn bản pháp luật và trong đời sống hàng ngày. Biện pháp xử phạt vi phạm phổ biến hiện nay là xử phạt vi phạm hành chính. Vậy bị xử phạt vi phạm hành chính có bị coi là có tiền sự hay không? Đây là vấn đề mà nhiều người nhầm lẫn và thắc mắc - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn qua bài viết dưới đậy.
1. Tiền sự là gì? Vi phạm hành chính là gì?
Tiền sự là thuật ngữ được sử dụng tương đối nhiều trong các văn bản pháp luật cũng như trong đời sống hàng ngày. Pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể khái niệm này. Tuy nhiên, trước đây Nghị quyết 01-HĐTP/NQ ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao( đã hết hiệu lực) có đề cập vấn đề này như sau:
“ Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 01 năm, thì không coi là tiền sự nữa.”
Theo đó, ta có thể hiểu người có tiền sự là người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:
“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, có thể hiểu vi phạm hành chính là hành vi của cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật hành chính. Vi phạm hành chính có thể là vi phạm các quy định về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý đất đai, môi trường, quy định về kinh doanh, thuế và nhiều lĩnh vực khác.
Do tiền sự là một tình tiết về nhân thân của người vi phạm nên trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến việc quyết định hình thức và mức độ xử lý vi phạm khi người có tiền sự có hành vi vi phạm pháp luật mới.
2. Người đã bị phạt hành chính có phải là có tiền sự không?
Tiền sự được đặt ra khi phát sinh trách nhiệm hành chính, tuy nhiên một người bị xử phạt hành chính và được coi là có tiền sự khi:
- Hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính đó là hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ các trường hợp bị xử phạt hành chính là được coi là tiền sự như:
+ Hành vi đánh bạc lần đầu ( tổng số tiền thu được dưới 05 triệu đồng);
+ Trộm cắp tài sản lần đầu có giá trị dưới 02 triệu đồng;
+ Người bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc...
- Đã có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.
Như vậy, người bị xử phạt hành chính mà thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì bị coi là có tiền sự. Nói cách khác, không phải trường hợp bị phạt vi phạm hành chính đều coi là tiền sự, ví dụ trường hợp vi phạm giao thông thông thường nếu có hành vi vi phạm này chỉ bị xử phạt tiền và không có dấu hiệu tội phạm thì không được coi là tiền sự.
3. Khi nào thì không bị coi là có tiền sự nữa?
Người không còn tiền sự được hiểu là người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính. Người được xóa tiền sự được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:
“ Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, thời hạn xóa tiền sự được xác định như sau:
- 06 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm;
- 01 năm kể từ ngày chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm;
- Từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm.
Bên cạnh đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính cụ thể như sau:
- Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp quá thời hạn 01 năm thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả...
- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt có tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu 01 năm nêu trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có thắc mắc, yêu cầu liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.