DỊCH VỤ LUẬT SƯ KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Hộ kinh doanh cá thể đang sử dụng hóa đơn bán hàng trực tiếp do Chi cục Thuế cấp có được sử dụng hóa đơn điện tử không? - Hóa đơn bán hàng (hay còn gọi là hóa đơn bán hàng trực tiếp/hóa đơn thông thường) là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Công ty Luật VietLawyer tư vấn như sau: Về các loại hóa đơn điện tử được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2022), như sau: " Điều 3: Giải thích từ ngữ ... 2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó: a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn. b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế...." Về đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019, như sau: - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này. - Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật này và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh. Trong đó, khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế. Như vậy, đối chiếu theo các quy định trên, hộ kinh doanh cá thể thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn trực tiếp và nộp thuế theo phương thức thuế khoán được sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết.
Có phải xuất hóa đơn đối với hàng mẫu giao cho khách hàng hay không? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Có phải xuất hóa đơn đối với hàng mẫu giao cho khách hàng hay không? Về vấn đề của chị, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có nêu nguyên tắc xuất hóa đơn như sau: "Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ 1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này." Theo đó, khi cung cấp hàng mẫu cho khách hàng thì vẫn thuộc trường hợp xuất hóa đơn. Còn nếu đơn vị chỉ làm hàng mẫu và trưng bày nội bộ thì không cần phải xuất hóa đơn và không có chủ thể nhận hàng. 2. Hàng mẫu có được coi là công cụ dụng cụ hay tài sản cố định để phân bổ hoặc khấu hao hàng tháng không? Đối với vấn đề này, nếu hàng mẫu cung cấp cho khách hàng thì không liên quan gì đến công cụ dụng cụ hoặc tài sản cố định. Còn nếu để sử dụng nội bộ, trưng bày thì sẽ căn cứ theo Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để xác định có phải là tài sản cố định hay không, cụ thể như sau: "Điều 3. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định: 1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định: a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên; c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên. Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập. Đối với súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một TSCĐ hữu hình. Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của TSCĐ được coi là một TSCĐ hữu hình. 2. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình: Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình. Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau: a) Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán; b) Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán; c) Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó; d) Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai; đ) Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó; e) Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó; g) Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình. 3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN...." Như vậy, nếu chi phí đầu vào của hàng mẫu công ty gửi cho khách hàng đáp ứng được các tiêu chí nêu trên sẽ được ghi nhận chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.
Cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài? - Cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất là cơ sở bán lẻ được lập ở Việt Nam bởi một trong những nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một cơ sở bán lẻ do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam. Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Điều kiện để lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như thế nào? Căn cứ tại Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện để lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cụ thể như sau: - Lập cơ sở bán lẻ thứ nhất + Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ; + Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên; + Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý. - Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất + Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. + Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: * Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này; * Đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này. 2. Về vấn đề kiểm tra nhu cầu kinh tế được quy định cụ thể như thế nào? Về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), được q.uy định cụ thể tại Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau: - Trường hợp phải thực hiện ENT Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. - Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế + Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động; + Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý; + Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý; + Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý; + Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể: * Tạo việc làm cho lao động trong nước; * Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý; * Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý; * Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Về hội đồng Kiểm tra nhu cầu kinh tế (hội đồng ENT), được quy định tại Điều 24 Nghị định 09/2018/NĐ-CP cụ thể như sau: - Hội đồng ENT do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi lập cơ sở bán lẻ thành lập trên cơ sở đề xuất của Cơ quan cấp Giấy phép. - Hội đồng ENT gồm: Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng ENT; đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan làm thành viên hội đồng ENT. Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ có vị trí tại khu vực địa lý cấp phường, xã, thị trấn tiếp giáp với tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì Hội đồng ENT phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố tiếp giáp. - Hội đồng ENT trên cơ sở đánh giá tiêu chí ENT quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này phải làm rõ sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục sau (trừ trường hợp quy định tại Điều 67 Nghị định 31/2021/NĐ-CP): - Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. - Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. - Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. - Vốn điều lệ của tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư. Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để xử lý kịp thời.
Cổ đông công ty cổ phần được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty mất khả năng thanh toán không?  Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Theo khoản 5 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau: "Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. 4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. 5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. 6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán." Theo quy định trên, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Đồng thời cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
Khi nào bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật? - Hiện nay, có rất nhiều người bán phá giá để cạnh tranh với đối thủ. Vậy khi nào bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Khi nào bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nghiêm cấm theo quy định pháp luật? Căn cứ Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định: "Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm 1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. 2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó. 3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. 4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó. 5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung. 6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. 7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác." Như vậy, theo quy định, việc bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nghiêm cấm khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cũng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. 2. Hành vi bán phá giá dưới giá thành toàn bộ thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Căn cứ Điều 21 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ như sau: " Điều 21. Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ 1. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. 2. Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm." Đồng thời, căn cứ khoản 5, 6, 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh như sau: " Điều 4. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh 5. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng. 6. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Nghị định này là 200.000.000 đồng. 7. Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức." Như vậy, hành vi bán phá giá dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung, gồm: - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Lưu ý: Mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức. 3. Trường hợp người bán phá giá vi phạm lần đầu thì có được giảm nhẹ mức xử phạt vi phạm hành chính hay không? Căn cứ Điều 5 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng như sau: "Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng 1. Tình tiết giảm nhẹ trong xử phạt vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh bao gồm: a) Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; b) Người vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm; c) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc; d) Vi phạm lần đầu..." Như vậy, hành vi vi phạm lần đầu thuộc tình tiết giảm nhẹ trong xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, trong trường hợp người bán phá giá thực hiện hành vi vi phạm lần đầu thì có thể được giảm nhẹ mức xử phạt vi phạm hành chính. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với công ty chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập - Những điều cần biết - Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập công ty cổ phần có làm thủ tục thông báo hay không? Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập công ty cổ phần thì có phải sửa đổi Điều lệ công ty không? Trong trường hợp cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì việc thông báo thay đổi thực hiện như thế nào? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập CTCP có phải làm thủ tục thông báo không? Theo quy định hiện hành tại khoản 2,3,4, Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập CTCP  chưa niêm yết: - Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. - Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. - Trường hợp thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 2 Điều này, công ty gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây: a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký; b) Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua. - Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cập nhật thông tin của cổ đông sáng lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Như vậy, chỉ khi thuộc trường hợp nêu trên thì mới làm thủ tục thay đổi thông tin với Phòng đăng ký kinh doanh, những trường hợp thay đổi còn lại thì mình chỉ cần thực hiện cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan theo quy định tại Điều lệ công ty là được. 2. Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập cổ phần có cần sửa đổi Điều lệ công ty không? Tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc sửa đổi Điều lệ công ty như sau:  " Điều 24. Điều lệ công ty: 1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng  ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. 2. Điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có); b) Ngành, nghề kinh doanh; c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần; d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh. Số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; e) Cơ cấu tổ chức quản lý; g) Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật; h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; i) Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên; k) Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần; l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; m) Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty; n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty." Như vậy, với các quy định nêu trên thì khi thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập cũng phải sửa đổi Điều lệ công ty. 3. Thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết có cần thông báo hay không? Căn cứ theo Điều 58 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong CTCP chưa niêm yết như sau: - Trường hợp công ty cổ phần chưa niêm yết thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây: a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký; b) Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sau khi đã thay đổi. Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài phải bao gồm chữ ký của cổ đông có giá trị cổ phần thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của cổ đông có giá trị cổ phần không thay đổi; c) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh việc hoàn tất chuyển nhượng; d) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là cá nhân; bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự; đ) Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư. - Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cập nhật thông tin về cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật VietLawyer về việc thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Quý khách hàng có nhu cầu thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết nhanh chóng.
Luật sư kinh doanh thương mại | Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, kinh tế Việt Nam ngày càng sôi động và các doanh nghiệp cũng cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Đi kèm với đó là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại cũng không ngừng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Công ty Luật VietLawyer với nhiều năm kinh nghiệm giải quyết về tranh chấp kinh doanh thương mại, Khách hàng của VietLawyer đã hoàn toàn hài lòng và tin tưởng tuyệt đối khi giao trọng trách cho VietLawyer để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi tham gia giải quyết các tranh chấp, chúng tôi luôn xem xét mọi khía cạnh của vụ việc để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng, đồng thời giữ gìn uy tín và quan hệ đối tác lâu dài giữa các bên tranh chấp với phương châm “win-win” – “hai bên cùng có lợi”.                                          Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Công ty luật VietLawyer cung cấp các dịch vụ cho khách hàng: + Tư vấn, đánh giá các vấn đề pháp lý trong vụ tranh chấp; + Lập hồ sơ khởi kiện các vụ việc tại Tòa án, Trọng tài; + Tham gia thương lượng, hòa giải giữa các bên; + Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để làm việc với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc; + Tham gia tranh tụng tại Tòa án, Trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong vụ tranh chấp; + Tư vấn và thực hiện yêu cầu thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, Trọng tài; + Tư vấn và thực hiện yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Công ty bạn đang vướng về pháp lý liên quan đến tranh chấp thương mại hãy liên hệ ngay với Công ty Luật VietLawyer để được tư vấn, giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
 
hotline 0927625666