TRẢ LỜI: LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Khi chuyển nhượng nhãn hiệu trong hồ sơ có cần phải có bản gốc văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu không? Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Để giải đáp vấn đề trên, Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Nhãn hiệu muốn chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện nào?  Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp). Tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau: "1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ. 2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng. 3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại. 4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. 5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó." Căn cứ các quy định trên, ta thấy việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu và chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó. Trường hợp đã đáp ứng các điều kiện về chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu thì việc chuyển nhượng quyền này phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp). Theo đó, việc lập hợp đồng chuyển nhượng phải đáp ứng các yêu cầu theo Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: - Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; - Căn cứ chuyển nhượng; - Giá chuyển nhượng; - Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng. 2. Chuyển nhượng nhãn hiệu cần chuẩn bị hồ sơ nào? Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 18/2011/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi điểm a khoản 39 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN) bao gồm: - 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư này; - 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai; - Bản gốc văn bằng bảo hộ; - Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung; - Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện); - Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ). - Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây: + Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ; + Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định lại yêu cầu về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định. Căn cứ quy định trên, ta thấy đối với hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu có yêu cầu nộp bản gốc văn bằng bảo hộ đối vói nhãn hiệu theo quy định. 3. Nhãn hiệu được chuyển nhượng theo thủ tục nào? Nhãn hiệu được chuyển nhượng theo thủ tục được quy định tại điểm a và điểm b khoản 40 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN như sau: * Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có các thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc sau đây: - Ra quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp); - Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: Ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ trong văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó; - Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản; - Ghi nhận việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; - Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định. * Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục sau đây: - Ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, trong đó nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng; - Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc có sửa chữa thiếu sót nhưng không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định. Như vậy, việc chuyện nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện đối với nhãn hiệu, các bên nhận chuyển nhượng và việc chuyển nhượng này phải được lập thành hợp đồng chuyển nhượng theo quy định. Khi đáp ứng các điều kiện nêu trên, bên chuyển nhượng nhãn hiệu thực hiện hồ sơ và thủ tục chuyển nhượng theo quy định để hoàn tất việc chuyển nhượng, trong đó hồ sơ chuyển nhượng có bao gồm bản gốc văn bằng bảo hộ. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết. Trân trọng./.
 
hotline 0927625666