HỎI ĐÁP: LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Hiện nay, trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ngày một phổ biến. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân này là giữa hai người mang hai quốc tịch khác nhau nên việc giải quyết vấn đề ly hôn cũng trở nên phức tạp hơn. Thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài theo pháp luật hiện hành là như thế nào? - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.  1. Ly hôn là gì? Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định. – Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. – Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. Cũng theo Điều 127 của Luật này thì ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Như vậy, ly hôn với người nước ngoài thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, tức là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trong đó có một bên vợ hoặc chồng là người nước ngoài. 2. Quyền yêu cầu ly hôn Theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014, những người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm:  – Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. – Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. – Để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và đứa trẻ, pháp luật quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 3. Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn với người nước ngoài Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam là thủ tục ly hôn trong đó một bên đương sự là người nước ngoài; yêu cầu được giải quyết tại Việt Nam theo thủ tục tố tụng tại Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài được tiến hành theo trình tự sau: Bước 1: Nộp hồ sơ hợp lệ đến Tòa án cấp Tỉnh/Huyện nơi thường trú của bị đơn. Bước 2: Trong thời hạn 7-15 ngày, Tòa án kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Tòa án sẽ gửi thông báo tạm ứng án phí. Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án. Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm. 4. Hồ sơ cần chuẩn bị để yêu cầu ly hôn với người nước ngoài  Để được giải quyết ly hôn, người yêu cầu ly hôn cần chuẩn bị hồ sơ gửi đến Tòa án. Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài gồm có: - Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có chữ ký của hai vợ chồng đối với trường hợp thuận tình ly hôn và đơn khởi kiện ly hôn đối với trường hợp đơn phương ly hôn. - Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nếu có, trong trường hợp mất bản chính thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp đăng ký kết hôn ở nước ngoài thì thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn vào sổ đăng ký tại Sở tư pháp; - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của 2 vợ chồng (bản sao công chứng) - Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú/Thẻ tạm trú của vợ chồng (bản sao công chứng)Vậtm - Giấy khai sinh của các con nếu có con chung (bản sao chứng thực) - Các tài liệu chứng minh tài sản chung, nợ chung nếu có tranh chấp về tài sản - Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có) - Các tài liệu khác có liên quan. Lưu ý: Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa. 5. Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài Do đặc trưng của quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài sẽ liên quan đến pháp luật cả hai nước mà mỗi bên mang quốc tịch nên việc xác định Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết rất quan trọng. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 35 và Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện … 3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. 4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh … c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này. Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, yêu cầu ly hôn có đương sự là người nước ngoài. Trừ trường hợp, công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. 6. Thời hạn và chi phí giải quyết Thời hạn: Thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 203 Bộ luân tố tụng dân sự 2015 là từ 4 - 6 tháng từ ngày thụ lý. Án phí: Mức án phí sơ thẩm trong vụ việc ly hôn theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH2014 là 300.000 đồng đối với vụ án không có giá ngạch (không có tranh chấp về tài sản); Đối với vụ án dân sự có giá ngạch (có tranh chấp về tài sản), án phí được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp. Lưu ý: – Trường hợp ly hôn vắng mặt thì thời gian khoảng từ 12 đến 24 tháng (do phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp); – Phí ủy thác tư pháp từ 5 đến 7 triệu đồng; – Các tài liệu khi gửi từ nước ngoài về phải có hợp thức hóa lãnh sự và dịch thuật. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về vấn đề "Thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài theo pháp luật hiện hành". Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Trên thực tế, ngày nay có rất nhiều trường hợp vợ chồng sau khi ly hôn đã quyết định tái hôn. Vậy, Thủ tục tái hôn năm 2023 theo quy định của pháp luật hiện hành là gì? - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.  1. Tái hôn là gì? Tái hôn là một khái niệm chỉ sự tái thiết quan hệ hôn nhân giữa một cặp vợ chồng sau khi đã hoàn tất quá trình ly hôn. Mặc dù không có một quy định chính thức trong pháp luật về tái hôn, nhưng thuật ngữ này đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày và được sử dụng bởi người dân. Tái hôn có thể mang đến cơ hội thứ hai cho cặp vợ chồng để sửa chữa và cải thiện mối quan hệ của họ. Điều quan trọng là cả hai bên phải thật lòng muốn thay đổi và làm việc cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. 2. Điều kiện để được tái hôn Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: " Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn". Như quy định đã nêu trên, khi tái hôn vợ chồng cần phải đăng ký kết hôn, vậy để có thể tái hôn, hai bên cũng cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để kết hôn. Cụ thể tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Điều 8. Điều kiện kết hôn 1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này." Tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có đề cập đến các trường hợp cấm kết hôn tại các điểm a, b, c và d khoản 2 điều 5 luật này. Vậy các trường hợp bị cấm đó là: "2. Cấm các hành vi sau đây a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ." Cả hai bên cần đáp ứng các điều kiện mà pháp luật đưa ra. Việc tái hôn phải dựa trên sự tự nguyện của hai bên, không phải do sự tác động hay cưỡng ép. Đồng thời khi tái hôn cần xác định rõ ràng cả hai phía vợ cũ hoặc chồng cũ có đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp nào không. Nếu một bên đang trong một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì không thể tái hôn.  3. Thủ tục tái hôn theo quy định của pháp luật Khi hai người sau khi chấm dứt hôn nhân, muốn tái hôn quay lại chung sống cùng nhau thì cần xác lập lại quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật. Thủ tục tái hôn sẽ được tiến hành theo các quy định sau: - Hồ sơ đăng ký kết hôn (tái hôn) Tái hôn là hai người đã từng đăng ký hôn rồi ly hôn, và sau đó muốn quay lại xác lập quan hệ hôn nhân một lần nữa, nên theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014, hồ sơ đăng ký kết hôn gồm: Tờ khai đăng ký kết hôn (theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP) Giấy tờ cá nhân: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh, sổ hộ khẩu gia đình. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của địa phương, ghi rõ trước đây đã ly hôn, nay xin giấy xác nhận độc thân để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người khác.  Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án. Giấy xác nhận không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, có đủ khả năng làm chủ hành vi của mình trong trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. (Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP) Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trên, hai bên phải cùng có mặt tại Ủy ban Nhân dân để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi có đủ hồ sơ như quy định, hai bên có đủ điều kiện đăng ký kết hôn, việc kết hôn sẽ được ghi vào Sổ hộ tịch cùng chữ ký của hai bên. Ủy ban Nhân dân sẽ gửi Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên và mỗi bên giữa một bản. Trường hợp cần phải xác minh lại điều kiện kết hôn của hai người thì thời hạn giải quyết không có 05 ngày.  - Địa điểm nộp hồ sơ Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014, năm nữ khi muốn tái hôn sẽ đến các cơ quan sau để thực hiện việc đăng ký kết hôn: "Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam nữ thực hiện đăng ký kết hôn." Đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014: "Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trí ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt nam hoặc với người nước ngoài." - Thời gian giải quyết Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ làm đăng ký kết hôn hợp lệ, cán bộ tư pháp sẽ ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch và cùng hai bên nam, nưc ký tên vào Sổ hộ tịch. Đồng thời, hai người này cùng ký tên vào Giấy đăng ký kết hôn. Ngay khi hoàn thành xong những công việc  nà, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ được trao cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần xác minh thêm về điều kiện kết hôn thì thời hạn cấp giấy đăng ký kết hôn có thể kéo dài thêm nhưng không quá 05 ngày làm việc.  - Lệ phí  Lệ phí đăng ký kết hôn tại Ủy ban xã không quá 30.000 đồng. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước thì được miễn lệ phí đăng ký kết hôn.  Đối với trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (kết hôn có yếu tố nước ngoài), theo quy định tại Phụ biểu ban hành kèm theo Nghị quyết 53/2017/NQ-HĐND quy định lệ phí đăng ký kết hôn là 1.500.000 đồng.  Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Chị M (Hà Nội) có gửi câu hỏi về cho Vietlawyer như sau: "Xin chào Luật sư. Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2021 nhưng dạo gần đây chúng tôi liên tục xảy ra mâu thuẫn và đã không còn ở chung với nhau nữa. Tôi muốn ly hôn nhưng tôi có phát hiện Giấy đăng ký kết hôn của tôi bị mất và Toà nói nếu không có Giấy đăng ký kết hôn thì không giải quyết cho tôi. Trong trường hợp này thì thủ tục cấp lại Giấy đăng ký kết hôn thực hiện như thế nào vậy? Tôi xin cảm ơn Luật sư." Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Công ty Vietlawyer. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau: Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại”. Như vậy, để giải quyết việc ly hôn trước tiên bạn cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã, (có thể là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc nơi bạn đang cư trú hiện nay) để nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Thủ tục này được quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau: Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau: - Tờ khai theo mẫu quy định; - Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn. Trong năm ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại khoản 2 điều 18 của Luật Hộ tịch. Nếu việc đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương. Trong năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch. - Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn như quy định tại khoản 2 điều này. - Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 1/1 của năm đăng ký kết hôn trước đây. Sau khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bạn có quyền nộp đơn xin ly hôn gửi lên Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết việc ly hôn với chồng. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
 
hotline 0927625666