TRẢ LỜI: LUẬT KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Hộ kinh doanh cá thể đang sử dụng hóa đơn bán hàng trực tiếp do Chi cục Thuế cấp có được sử dụng hóa đơn điện tử không? - Hóa đơn bán hàng (hay còn gọi là hóa đơn bán hàng trực tiếp/hóa đơn thông thường) là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Công ty Luật VietLawyer tư vấn như sau: Về các loại hóa đơn điện tử được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2022), như sau: " Điều 3: Giải thích từ ngữ ... 2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó: a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn. b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế...." Về đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019, như sau: - Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này. - Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật này và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh. Trong đó, khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế. Như vậy, đối chiếu theo các quy định trên, hộ kinh doanh cá thể thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn trực tiếp và nộp thuế theo phương thức thuế khoán được sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết.
Cổ đông công ty cổ phần được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty mất khả năng thanh toán không?  Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Theo khoản 5 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau: "Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. 4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. 5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. 6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán." Theo quy định trên, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Đồng thời cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
03 trường hợp được hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại - Hủy bỏ hợp đồng là hình thức chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết hợp pháp trước đó theo thỏa thuận của các bên ở hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Hiện nay, có 03 trường hợp được hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại.  Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn về 03 trường hợp như sau: 1. 03 trường hợp được hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại Theo Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây: - Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận - Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng - Trường hợp khác do luật quy định Lưu ý: Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng khác 2.1. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 424 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: - Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng. - Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định nêu trên. 2.2. Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện Theo Điều 425 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 2.3. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hỏng Điều 426 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng. Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 Bộ luật Dân sự 2015. 3. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng Căn cứ Điều 427 Bộ luật Dân sự 2015, việc hủy bỏ hợp đồng có thể gặp phải các hậu quả pháp lý sau đây: - Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. - Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. - Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường. - Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan quy định. - Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc cần tư vấn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh - Trong quá trình hoạt động vì nhiều lý do khác nhau như do nhu cầu phát triển thị trường mới, Công ty có nhu cầu tìm một văn phòng mới ở trung tâm để giao dịch với khách hàng,... mà công ty cần thay đổi trụ sở. Khi thay đổi địa chỉ công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở công ty nhanh chóng, đầy đủ và đúng quy định pháp luật. Công ty VietLawyer xin chia sẻ về vấn đề này qua bài viết dưới đây. 1. Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đã đăng ký: - Doanh nghiệp gửi Thông báo (mẫu Phụ lục II-1) đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký với nội dung gồm: + Tên, mã số doanh nghiệp mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế); + Địa chỉ trụ sở chính dự định chuyển đến; + Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. - Giấy tờ kèm theo Thông báo bao gồm: + Quyết định và bản sao hợp lện biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2TV trở lên, của Đại hội đồng cổ dông đối với CTCP và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; + Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 1TV. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty. Khi nhận Giấy đề nghị, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. 2. Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký: - Doanh nghiệp gửi Thông báo (mẫu Phụ lục II-1) đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi dự định đặt trụ sở mới với nội dung Thông báo gồm: + Tên, mã số doanh nghiệp, MST hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp MST); + Địa chỉ trụ sở chính dự định chuyển đến; + Họ, tên, số CMND hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác theo quy định, địa chỉ thường trú và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. - Giấy tờ kèm theo Thông báo bao gồm: + Bản sao hợp lệ Điều lệ đã sửa đổi của công ty; + Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2TV trở lên; danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH 1TV; danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài đối với CTCP; danh sách thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; + Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2TV trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với CTCP, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 1TV. Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp và gửi thông tin đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi trước đây doanh nghiệp đã đăng ký. 3. Thời gian thực hiện thủ tục và giải quyết hồ sơ: - Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm làm hồ sơ, thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi. - Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do; các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có). Ngoài ra, trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa chỉ trụ sở dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý như sau: - Tờ khai Điều chỉnh thông tin đăng ký thuế (mẫu 08-MST); - Bản sao không yêu cầu chứng thực Giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc, hoặc Quyết định thành lập, hoặc Giấy phép tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp nếu thông tin đăng ký thuế trên các Giấy tờ này có thay đổi. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo doanh nghiệp đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế nơi chuyển đến theo mẫu 09-MST. Trên đây là thủ tục thay đổi trụ sở kinh doanh, Quý khách hàng có thắc mắc, nhu cầu thay đổi trụ sở kinh doanh hãy liên hệ ngay với Công ty Luật VietLawyer để được giải quyết kịp thời.
 
hotline 0927625666