TRẢ LỜI : LUẬT HÌNH SỰ

Sugar baby - Sugar daddy có phải là mại dâm không? Người môi giới mại dâm bị xử phạt như thế nào? - Hiện nay, Sugar baby - Sugar daddy là những cụm từ phổ biến trên mạng xã hội. Thực chất, mối quan hệ này là mối quan hệ đổi chác tiền và tình dục giữa hai bên. Vậy, Sugar baby - Sugar daddy có phải là hành vi mua bán dâm không? Những người môi giới cho mối quan hệ này có bị xử phạt không? Để hiểu rõ vấn đề này, Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Sugar baby - Sugar daddy có phải mại dâm không? Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 định nghĩa về mại dâm như sau: "1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. 2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. 3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm." Do đó, mại dâm được hiểu là hành vi mua dâm và bán dâm. Cụm từ "Sugar baby - Sugar daddy" là cụm từ chỉ chung cho các mối quan hệ có mục đích chủ yếu là trao đổi tình - tiền. Sugar baby là từ lóng dùng để gọi những cô gái dùng nhan sắc, tình cảm, tình dục,... để đồi lấy tiền, quà cáp hoặc sự hỗ trợ về tài chính/vật chất từ những người đàn ông lớn tuổi. Đây thường là những cô gái trẻ, có thể còn là học sinh, sinh viên nhưng có nhu cầu lớn về tiền bạc, không muốn làm việc vất vả mà vẫn được thỏa thích mua sắm, làm đẹp, ăn chơi,... Cùng với đó, Sugar daddy là từ chỉ người đàn ông lớn tuổi, có mối quan hệ tình cảm yêu đương với cô gái trẻ chỉ tầm tuổi như con gái mình, cháu mình,... Do đó, sự chênh lệch tuổi tác nên khi nhìn vào, nhiều người còn lầm tưởng rằng họ là bố con. Để có được mối quan hệ này, các sugar daddy phải là người có điều kiện kinh tế để thường xuyên chu cấp cho “con gái ” tiền bạc, quà cáp hoặc những lợi ích khác… Trên thực tế, mối quan hệ này dần có xu hướng biến tướng trở thành một hình thức mại dâm trá hình, vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Không dễ để chứng minh quan hệ sugar baby - sugar daddy là mua, bán dâm. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh, phân biệt giữa hành vi mua bán dâm trá hình và quan hệ tình cảm thông thường. 2. Người môi giới mại dâm bị xử lý như thế nào? Căn cứ Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội mua bán mại dâm như sau: - Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: + Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; + Có tổ chức; + Có tính chất chuyên nghiệp; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Đối với 02 người trở lên; + Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; + Tái phạm nguy hiểm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: + Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; + Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Theo quy định trên, tùy vào tính chất vi phạm, việc môi giới mại dâm trá hình núp bóng giới thiệu sugar baby - sugar daddy cũng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. 3. Sugar baby - Sugar daddy bị xử phạt như thế nào? Nếu chứng minh được "Sugar baby" là người bán dâm, căn cứ Điều 25 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi bán dâm như sau: " Điều 25. Hành vi bán dâm 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm. 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho 02 người trở lên cùng một lúc. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này." Nếu sugar baby là người bán dâm thì có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, hoặc 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho 02 người trở lên cùng một lúc. Đồng thời, tịch thu tang vật vi phạm, trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm. Buộc nộp lại số lợi ích bất hợp pháp. Đối với Sugar daddy, nếu chứng minh người này là người mua dâm, thì căn cứ xử phạt tại Điều 24 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, nặng hơn thì phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở lên cùng một lúc và các hình phạt bổ sung khác. Bên cạnh đó, trường hợp sugar baby - người bán dâm là người dưới 18 tuổi, căn cứ vào Điều 329 Bộ luật hình sự 2014 quy định như sau: " Điều 329. Tội mua dâm người dưới 18  1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Mua dâm 02 lần trở lên; b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 4. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng." Theo đó, mua dâm người dưới 18 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có vướng mắc, cần hỗ trợ giải quyết nhanh hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Đội ngũ Luật sư của Vietlawyer Trân trọng.
Bị can, bị cáo được tại ngoại khi nào? - Chị N.Nga (Bắc Giang) " Em gái tôi hiện đang mang thai vừa bị bắt lúc sáng nay liệu có được tại ngoại không?" Chào chị Nga, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến với Công ty Luật VietLawyer. Hiện nay, pháp luật không có thuật ngữ pháp lý về "tại ngoại". Đây là ngôn ngữ nói, để chỉ những trường hợp bị can, bị cáo không bị tạm giam trong quá trình điều tra, xét xử.   Trên quy định pháp luật hiện hành chúng tôi xin trả lời như sau: 1. Trường hợp bị can, bị cáo bị tạm giam Theo điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp sau: - Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. - Bị can bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: + Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; + Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; + Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; + Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; + Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. - Bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Như vậy, nếu bị can, bị cáo rơi vào một trong các trường hợp trên thì người có thm quyền có thể ra quyết định tạm giam với họ. 2. Trường hợp bị can, bị cáo được "tại ngoại" Trường hợp 1:  Bị can, bị cáo đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì không bị tạm giam mà sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác: -  Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng -  Bị can, bị cáo có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. - Không rơi vào các trường hợp: + Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; + Tiếp tục phạm tội; + Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; + Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Trường hợp 2: Bị can, bị cáo còn có thể được "tại ngoại" nếu rơi vào các trường hợp sau: - Bảo lĩnh: Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh. - Đặt tiền để bảo đảm: Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm. - Cấm đi khỏi nơi cư trú: Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Như vậy, em gái bạn hiện đang mang thai vừa bị bắt sẽ được tại ngoại nếu không thuộc các trường hợp bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Không rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong nhà chung cư để chó cắn người thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không hay chỉ bị phạt hành chính và bồi thường? Câu hỏi của chị Thùy Dương đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Luật VietLawyer xin giải đáp thắc mắc này cho bạn đọc qua bài viết sau: 1.Chó, mèo có phải gia súc không? Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 2Luật Chăn nuôi 2018: 6. Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi. Theo định nghĩa nêu trên, nhiều người nghĩ rằng chó, mèo cũng là gia súc. Tuy nhiên, tại Phụ lục II Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi, chó mèo được xếp vào loại động vật khác chứ không thuộc danh mục gia súc. 2.Ở nhà chung cư thì có bị nghiêm cấm việc nuôi chó, mèo hay không? Căn cứ Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về những hành vi bị cấm khi ở nhà chung cư như sau: Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư ..... 3. Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. ..... Theo đó, pháp luật quy định là cấm người sử dụng chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Nhưng chó, mèo không phải là gia súc, gia cầm nên việc nuôi cho mèo trong nhà chung cư không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên đối với những người đang ở, sử dụng nhà chung cư cần phải tuân thủ các nội quy quy định chung được đặt ra tại Hội nghị nhà chung cư. Trong trường hợp quy định tại hội nghị đưa ra nghiêm cấm về việc nuôi cho mèo trong nhà chung cư thì người sử dụng cần phải tuân thủ. 3.Không rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong nhà chung cư thì người nuôi có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không? Căn cứ Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP) thì hành vi vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn 1. ... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. ... Từ quy định trên thì trường hợp không rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong nhà chung cư thì người nuôi có bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Căn cứ Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra 1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. 4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Như đã nói nếu quy định chung cư có quy định về việc nuôi hoặc rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong khu vực nhà chung cư thì người nuôi cần phải tuân thủ thực hiện. Trường hợp người nuôi không rọ mõm khi dắt chó đi dạo mà để cho chó của mình cắn người thì phải chịu bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra cho người khác theo quy định nêu trên. Nếu trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác (cắn người) thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. 4.Không rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong nhà chung cư để chó cắn người thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trong trường hợp chủ sở hữu không rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo trong nhà chung cư để xảy ra tình huống ngoài ý muốn dẫn đến chó căn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý làm chết người như sau: Tội vô ý làm chết người 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Theo đó, người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp có đến 02 người chết trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc để chó của mình cắn người trong chung cư. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Yếu tố lỗi trong luật hình sự. Mặt chủ quan của tội phạm là dấu hiệu quan trọng trong cấu thành tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm được biểu hiện thông qua ba yếu tố: Lỗi, Động cơ phạm tội và Mục đích phạm tội. Trong đó, lỗi là dấu hiệu quan trọng nhất, là nội dung cơ bản thể hiện mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, không xác định được lỗi thì không thể cấu thành tội phạm. Bài viết sau đây Công ty Luật TNHH VietLawyer xin chia sẻ tới bạn đọc những nội dung liên quan đến lỗi trong luật hình sự Việt Nam. 1.Lỗi là gì? Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Để xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm và gây thiệt hại cho xã hội có lỗi trong khi thực hiện hành vi đó hay không, cần phải xác định tính có lỗi của tội phạm. 2.Xác định tính có lỗi của tội phạm Một hành vi bị xem là tính có lỗi khi có đủ 2 điều kiện sau: - Hành vi trái pháp luật hình sự. - Hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của người thực hiện hành vi khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái pháp luật hình sự. Yếu tố lỗi được xác định theo pháp luật hình sự khi hội tụ đủ 02 điều kiện sau: - Không mắc bệnh tâm thần, các bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (tức là không bị mất năng lực hành vi) - Đạt độ tuổi theo quy định hiện hành: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên mà chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 3.Các hình thức lỗi 3.1. Lỗi cố ý trực tiếp Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015). Về mặt lý trí:  Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Về mặt ý chí:  Sự lựa chọn hành vi phạm tội là sự lựa chọn duy nhất, chủ thể lựa chọn hành vi phạm tội vì chủ thể mong muốn hành vi đó Ví dụ: A và B xảy ra mâu thuẫn, A dùng dao đâm B với ý muốn giết B. Rõ ràng A ý thức được việc mình làm là nguy hiểm và mong muốn hậu quả chết người người xảy ra. 3.2. Lỗi cố ý gián tiếp Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. (Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015). Về mặt lý trí:  Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Về mặt ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, tức hậu quả xảy ra không phù hợp với mục đích phạm tội. Tuy nhiên để thực hiện mục đích này, người phạm tội để mặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra Ví dụ: A giăng lưới điện để chống trộm đột nhập nhưng không có cảnh báo an toàn dẫn đến chết người. Dù A không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên đây là lỗi cố ý gián tiếp 3.3. Lỗi vô ý vì quá tự tin Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. (Khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015). Về mặt lý trí:  Nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở việc họ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra Về mặt ý chí: Người phạm tội không mong muốn hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên hậu quả nguy hại cho xã hội đã xảy ra và nằm ngoài dự tính của họ Ví dụ: A là bác sĩ muốn áp dụng pháp đồ điều trị mới cho B. Mặc dù biết rằng việc thử nghiệm việc điều trị với B có thể gây ra hậu quả chết người những A cho rằng mình kiểm soát được toàn bộ quá trình điều trị. Tuy nhiên,do phản ứng thuốc, B chết. Trường hợp này, A có lỗi vô ý vì quá tự tin. 3.4. Lỗi vô ý do cẩu thả Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. (Khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015). Về mặt lý trí:  Phải thấy trước hậu quả nhưng lại không thấy trước được hậu quả đó Về mặt ý chí:  Người phạm tội khi thực hiện hành vi đáng ra phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra Ví dụ: A là kế toán doanh nghiệp, khi nhập dữ liệu, A đã sơ ý bỏ sót một số 0 trong số tiền cần chuyển cho đối tác, hành vi này của A đã khiến công ty thiệt hại, trong trường hợp này, A là kế toán và phải biết được chỉ một hành vi sơ xuất cũng sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn. 4.Một số trường hợp đặc biệt về lỗi 4.1.Trường hợp hỗn hợp lỗi Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ được quy định trong cấu thành tăng nặng của một số tội phạm, khi dấu hiệu lỗi trong cấu thành cơ bản là cố ý, nhưng trong cấu thành tăng nặng của tội phạm đó, người phạm tội đã vô ý gây ra hậu quả nhất định. Trường hợp hỗn hợp lỗi chỉ có thể xảy ra đối với người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và vô ý đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS) là tội phạm có lỗi cố ý. Cấu thành tăng nặng của tội phạm này (Khoản 4, 5) có dấu hiệu là làm chết người, thì người phạm tội có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người này (không mong muốn và không để mặc hậu quả chết người xảy ra); khi thực hiện hành vi phạm tội, họ chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra. Nếu người phạm tội có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra) thì họ phạm tội giết người (Điều 123 BLHS). 4.2.Sự kiện bất ngờ Theo quy định của Điều 11 Bộ luật hình sự thì, “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Trong sự kiện bất ngờ, hành vi vẫn có gây ra thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi nguy hiểm đó không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây không bị buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội gây ra từ hành vi của mình. Ví dụ, một người vì muốn tự tử nên đã đâm đầu vào xe tải, người lái xe tải rõ ràng là không có nghĩa vụ phải thấy trước việc mình lái xe trên đường sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về các loại lỗi trong luật hình sự. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Hiện nay, rất nhiều người dân chưa phân biệt được tố cáo và tố giác dẫn đến việc sử dụng không đúng hai thuật ngữ này, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi giải quyết tố cáo, tố giác. Vậy hai khái niệm này khác nhau ở chỗ nào? 1.Tố cáo - Pháp luật điều chỉnh Tố cáo được điều chỉnh bởi Luật Tố cáo 2018: Theo khoản 1 Điều 2 Luật này thì Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. - Chủ thể của tố cáo Là cá nhân. Người tố cáo phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự. - Đối tượng của tố cáo Hành vi vi phạm pháp luật trong tố cáo nằm trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm. - Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. - Thời hạn giải quyết tố cáo Được quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018, cụ thể: Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. + Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. + Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. - Hệ quả pháp lý Tố cáo là quyền của công dân, tức là mọi người có thể tố cáo cũng có thể không, trong một số trường hợp nếu thấy không cần thiết thì không cần phải tố cáo. Tố cáo chỉ phát sinh quan hệ pháp lý khi công dân trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm. Nếu công dân không tố cáo thì cho dù hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cá nhân khác bị phát giác thì công dân không phải chịu trách nhiệm gì cả. 2.Tố giác - Pháp luật điều chỉnh Tố giác được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật này thì tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. - Chủ thể tố giác Là cá nhân. Người tố giác là người cho rằng có một hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra hoặc có thể xảy ra và quan trọng nhất là phải "có dấu hiệu của tội phạm". Pháp luật hiện hành cũng đặt ra trách nhiệm của người tố giác đối với nội dung tố giác. Nếu cố ý tố giác sai sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. - Đối tượng của tố giác Hành vi vi phạm pháp luật trong tố giác có thể cấu thành tội phạm. Hành vi này phải "có dấu hiệu của tội phạm" tương ứng một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ như chứng kiến được hành vi đánh người gây thương tích thì sử dụng đơn tố giác tội phạm sẽ chính xác hơn. - Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác + Cơ quan điều tra; + Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; + Viện kiểm sát giải quyết tố giác trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục. - Thời hạn giải quyết tố giác Được quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng). - Hệ quả pháp lý của tố giác  Đây là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, chính vì thế mà quan hệ pháp lý phát sinh ngay từ thời điểm tội phạm có dấu hiệu xảy ra. Khi công dân biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội không tố giác tội phạm" quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về sự khác nhau giữa tố cáo và tố giác. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Quán cà phê của tôi bị người khác ganh ghét nên thuê người phá hoại tài sản, tôi muốn hỏi việc thuê người phá hoại tài sản của người khác bị xử lý như thế nào? - Anh Cầu (Đà Lạt). Công ty Luật VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết sau: 1. Khái niệm tài sản? Theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Tài sản 1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo như quy định trên thì tài sản có thể là tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Bất động sản và động sản cũng được xem là tài sản, ngay cả trường hợp bất động sản và động sản hình thành trong tương lại. 2. Phá hoại tài sản là gì? Phá hoại tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị hư hại, giảm giá trị hoặc mất giá trị sử dụng hoặc khó có khả năng khôi phục lại. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như: đập phá đồ đạc, đốt cháy đồ, cố tình để mặc tài sản của người khác bị hỏng.. 3. Người được thuê phá hoại tài sản của người khác bị xử lý như thế nào? 3.1. Xử phạt hành chính Người được thuê phá hoại tài sản chính là người trực tiếp thực hiện hành vi phá hoài tài sản của người khác. Vì vậy, người có hành vi phá hoại tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác: ....... 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này; ....... 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này; ..... 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: ...... c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Như vậy, người thực hiện hành vi phá hoại tài sản của người khác sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng thời chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. 3.2. Xử lý hình sự Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi phá hoại tài sản của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau: - Khung 1: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; + Tài sản là di vật, cổ vật. - Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: + Có tổ chức; + Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; + Tài sản là bảo vật quốc gia; + Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; + Để che giấu tội phạm khác; + Vì lý do công vụ của người bị hại; + Tái phạm nguy hiểm, - Khung 3: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. - Khung 4: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy, người phạm tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý phá hoại tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tối đa lên đến 20 năm tù giam. 3.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại Người có hành vi xâm phạm, phá hoại tài sản của người khác mà gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này. Như vậy, người nào cố tình gây thiệt hại, hủy hoại, thực hiện hành vi phá hoại tài sản của người khác, ngoài việc chịu các mức xử phạt hành chính, hình sự theo quy định còn phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cho người bị thiệt hại theo quy định. 4. Người thuê người khác phá hoại tài sản thì bị xử lý như thế nào? Căn cứ Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: Đồng phạm 1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. 3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Theo đó, không chỉ người trực tiếp thực hiện hành vi phá hoại tài sản mà người đi thuê cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm. Như vậy, đối với hành vi thuê người phá hoại tài sản của người thì cả người thuê lẫn người được thuê đều có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc phá hoại tài sản của người khác. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác 1.Khái niệm tố giác, đơn tố giác tội phạm? - Khái niệm tố giác Trước hết, tố giác tội phạm là hành vi của cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 như sau: Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố 1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. … 4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. … Theo đó, tố giác tội phạm có một số đặc điểm đáng chú ý là: + Là hành vi của cá nhân: Hành vi của cá nhân là chủ động và có thể là bất kỳ cá nhân nào trong xã hội, không phân biệt công việc, nơi ở, trình độ học vấn…; + Cá nhân này có phát hiện và thực hiện tố cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định về những hành vi có dấu hiệu tội phạm: Điều này có nghĩa là cá nhân chỉ cần nghi ngờ, có căn cứ nhận thấy có thể phát sinh tội phạm là có thể thực hiện tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; + Được lập thành văn bản hoặc chỉ thực hiện thông qua lời nói: Nếu là lời nói thì thông tin này phải được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản và ghi vào sổ tiếp nhận. Việc tiếp nhận thông tin tố giác có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định pháp luật.  - Khái niệm đơn tố giác Đơn tố giác tội phạm được hiểu là văn bản thể hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội của cá nhân và việc tố cáo hành vi này với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay, đơn tố giác tội phạm chưa được ban hành mẫu, vậy nên, khi thực hiện việc tố giác tội phạm, cá nhân có thể dựa trên trình tự thời gian diễn ra vụ việc/hành vi vi phạm pháp luật để trình bày đơn. Đơn tố giác tội phạm cũng có thể được có tên khác là đơn trình báo tội phạm. Như vậy, tố giác tội phạm là cá nhân chủ động tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngay khi phát hiện. Tố giác tội phạm có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc thông qua đơn tố giác tội phạm/đơn trình báo. 2.Thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm là của cơ quan nào? Căn cứ Điều 145 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của cá nhân như sau: Điều 5. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm 1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm: a) Cơ quan điều tra; b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; c) Viện kiểm sát các cấp; d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. 2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình. b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn tố giác tội phạm. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
03 bước trình báo tố giác tội phạm có thể bạn chưa biết! Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin  báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 145 BLTTHS 2015, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của cá nhân như sau: - Cơ quan điều tra; Cơ quan điều tra cơ quan công an cấp có thẩm quyền, cơ quan an ninh điều tra công an cấp có thẩm quyền (trừ đội an ninh điều tra cấp huyện) có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố giác tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình. Khoản 5 Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra được phân cấp theo thẩm quyền xét xử của Tòa án. - Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; - Viện kiểm sát các cấp; - Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố Theo Điều 144 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau: – Bằng lời: trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1; – Bằng văn bản: gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1; Lưu ý rằng, khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin. Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố Căn cứ điều 145, 146 BLTTHS 2015; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017. - Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. - Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 BLTTHS mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. - Trong quá trình giải quyết hoặc sau khi có kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp không nhất trí với kết quả giải quyết hoặc cho rằng việc giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thỏa đáng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tố tụng hình sự thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về các bước trình báo, tố giác tội phạm. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Tố giác tội phạm nhưng muốn giấu mặt và giữ kín thông tin để đảm bảo an toàn cho bản thân thì có được không? Câu hỏi của anh Phan Huy - Bình Thuận Ở xóm tôi sinh sống, có người đàn ông thường xuyên dẫn bạn bè về nhà để đánh bài ăn tiền. Tôi muốn tố giác người này nhưng muốn giấu mặt và giữ kín thông tin có được không ạ? Trong thời hạn bao lâu kể từ ngày nhận được tin tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự? 1.Tố giác tội phạm nhưng muốn giấu mặt và giữ kín thông tin có được không? Theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: - Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền: + Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; + Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; + Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. - Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc. Như vậy, căn cứ quy định trên, khi làm đơn tố giác tội phạm thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật về việc tố giác, ngoài ra còn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của anh và người thân thích khi bị đe dọa. 2.Muốn tố giác tội phạm nhưng giấu mặt để đảm bảo an toàn tính mạng thì có thể gửi đơn tố giác được hay không? Theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: - Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. .... - Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể gửi đơn tố giác tội phạm để đảm bảo an toàn cho bản thân. 3.Trong thời hạn bao lâu kể từ ngày nhận được tin tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự? Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: - Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: + Quyết định khởi tố vụ án hình sự; + Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; + Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. - Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. - Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: + Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; + Khám nghiệm hiện trường; + Khám nghiệm tử thi; + Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. - Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc người tố giác muốn giấu mặt và giữ kín thông tin. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Người đang bị tố giác thì có được xuất cảnh không? Câu hỏi của chị Thủy - Nam Định Tôi chuẩn bị làm đơn tố giác một người hàng xóm vì tôi thấy họ có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa bị ai phát hiện. Trong trường hợp tôi tố giác như vậy thì người này có được phép xuất cảnh khỏi Việt Nam hay không? Căn cứ theo Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tạm hoãn xuất cảnh như sau: "1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn: a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; b) Bị can, bị cáo. 2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành. 3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù." Như vậy, không phải mọi đối tượng bị tố giác đều tạm hoãn xuất cảnh mà chỉ tạm hoãn xuất cảnh với các trường hợp qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc họ bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người đó. Nên trong trường hợp của bạn để xác định người bị tố giác (người hàng xóm) có bị tạm hoãn xuất cảnh không còn tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ hay không. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc người đang bị tố giác có thể xuất cảnh không. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Trong thời gian gần đây, Công ty Luật VietLawyer ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng tìm đến để được tư vấn vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ tinh vi: Deepfake. Vậy Deepfake là gì? Cách thức hoạt động của công nghệ này như thế nào? Các đối tượng có thể giả làm người thân, con em học tập xa nhà để vay tiền, dàn dựng những đoạn video chập chờn, mờ ảo như ở nơi sóng yếu để qua mặt người dùng mạng xã hội. Tới nay, chiêu trò lừa đảo này đã ở mức đáng báo động.  1. Deepfake là gì? Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi. Công nghệ Deepfake đang phát triển nhanh chóng và trở nên ngày càng tinh vi. Hiện tại, kẻ xấu chủ yếu lợi dụng công nghệ này tạo ra những nội dung giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự,... 2. Cách thức hoạt động của Deepfake Cách thức hoạt động của Deepfake có liên quan đến quá trình “học hỏi” của trí tuệ nhân tạo. Từ đó, hình ảnh khuôn mặt của chủ thể nào đó (tạm gọi là chủ thể A) với chất lượng cao được thay thế hoàn toàn bằng khuôn mặt của một người khác (chủ thể B). Hình ảnh nén của A được đưa đến bộ giải mã của B. Sau đó, bộ giải mã sẽ tái tạo khuôn mặt của người B với biểu cảm và hướng khuôn mặt của người A. Quá trình này được thực hiện liên tục, chi tiết cho đến khi tạo ra sản phẩm “thật” nhất. 3. Tại sao Deepfake có thể giả giọng, mặt người thân để lừa đảo? Nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video. Những giọng nói tạo lập bởi AI càng tăng tính chuyên nghiệp và nguy hiểm của chiêu trò này. Đây chính là mặt tối của các AI tạo sinh khi chúng có thể tạo văn bản, hình ảnh hay âm thanh dựa trên bộ dữ liệu được cung cấp trước. Các phần mềm tạo giọng nói hoạt động bằng cách phân tích những đặc trưng trong giọng nói của một người như độ tuổi, giới tính, ngữ điệu, sau đó tìm kiếm trong kho dữ liệu khổng lồ một giọng nói tương tự và dự đoán các mẫu hội thoại cần tạo ra. Do đó, chúng có thể tái tạo cao độ, âm sắc của một người và tạo ra một giọng nói hoàn chỉnh y hệt bản gốc. Kho dữ liệu này thường là những đoạn âm thanh từ YouTube, TikTok, Instagram, Facebook hay các podcast, video quảng cáo… Theo các chuyên gia về công nghệ, phương thức của các đối tượng này thường là tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… để tạo ra một kịch bản lừa đảo. Khi nạn nhân cẩn thận sẽ gọi điện thoại hoặc video để kiểm tra thì chúng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa. 4. Bị lừa đảo qua mạng, làm sao lấy lại tiền? Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi. Vì vậy, để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa, người bị hại nên thông tin, trình báo ngay sự việc lừa đảo với cơ quan có thẩm quyền được giải quyết kịp thời. Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng. Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) để được giải quyết. Nếu làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an, người tố giác cần chuẩn bị hồ sơ gồm: - Đơn trình báo công an; - Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng); - Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…). Trường hợp tới tố cáo trực tiếp, người tố cáo cũng mang theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân và chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an: - Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ: + Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo; + Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053; + Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về thủ đoạn lừa đảo mới bằng công nghệ tinh vi DEEPFAKE. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Điều tra vụ án hình sự là một trong các giai đoạn của hoạt động tố tụng, trong đó pháp luật quy định các loại thời hạn khác nhau trong điều tra vụ án hình sự. Vậy, có những loại thời hạn nào trong điều tra vụ án hình sự? Công ty luật VietLawyer xin chia sẻ tới quý bạn đọc qua bài viết sau: 1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự Thời hạn điều tra là thời gian do pháp luật quy định để cơ quan điều tra hoàn thành điều tra vụ án. Thời hạn điều tra được tính từ khi khởi tố vụ án đến ngày kết thúc điều tra. Thời hạn điều tra vụ án hình sự nói chung hiện được quy định tại Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, theo đó: - Tối đa 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; - Tối đa 03 tháng đối với tôi phạm nghiêm trọng; - Tối đa 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu do tính chất phức tạp của vụ án cần phải có thêm thời gian để điều tra thì trong thời hạn 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải làm văn bản đề nghị viện trưởng viện kiểm sát gia hạn điều tra. Thời hạn gia hạn điều tra như sau: - Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra 01 lần không quá 02 tháng; - Đối với tội phạm nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; - Đối với tôi phạm rất nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng; - Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng: Có thể được gia hạn điều tra 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn điều tra đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Như vậy, tổng thời hạn điều tra đối với các loại tội phạm như sau: - Tội phạm ít nghiêm trọng: Tổng thời hạn điều tra có thể lên tới 04 tháng; - Tội phạm nghiêm trọng: Tổng thời hạn điều tra có thể lên tới 08 tháng - Tội phạm rất nghiêm trọng; Tổng thời hạn điều tra có thể lên tới 12 tháng; - Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Tổng thời hạn điều tra có thể lên tới 20 tháng. 2. Thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự Thời hạn tạm giam để điều tra là thời hạn do pháp luật quy định được tạm giam bị can để phục vụ cho việc điều tra vụ án. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra được quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự: - Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; - Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; - Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Thời hạn gia hạn tạm giam đối với từng loại tội phạm cụ thể như sau: - Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: Được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 01 tháng; - Đối với tội phạm nghiêm trọng: Được gia hạn tạm giam 01 lần không qáu 02 tháng; - Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: Được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 03 tháng; - Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Được gia hạn tạm giam 02 lần mỗi lần không quá 04 tháng. 3. Thời hạn phục hồi điều tra vụ án hình sự Thời hạn phục hồi điều tra là thời hạn do pháp luật quy định để tiếp tục điều tra vụ án đã được phục hồi điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với những vụ án đã có quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra nhưng có lí do để hủy bỏ quyết định này thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó: - Thời hạn phục hồi điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; - Thời hạn phục hồi điều tra không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án, thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Thời hạn gia hạn điều tra  như sau: -Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: Được gia hạn điều tra 01 lần không quá 01 tháng; - Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng: Được gia hạn điều tra 01 lần không quá 02 tháng; - Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Được gia hạn điều tra 01 lần không quá 03 tháng; 4. Thời hạn điều tra bổ sung vụ án hình sự Thời hạn điều tra bổ sung là thời hạn do pháp luật quy định để điều tra bổ sung đối với vụ án khi có yêu cầu của Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm. Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng. Nếu Viện kiểm sát quyết định truy tố nhưng Tòa án trả lại để điều tra bổ sung thì không thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Thời hạn được tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra. Trong đó: - Viện Kiểm sát chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung tối đa 02 lần; - Thẩm phán chỉ được trả lại hồ sơ 01 lần; - Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ 01 lần. 5. Thời hạn điều tra lại vụ án hình sự Thời hạn điều tra lại là thời hạn do pháp luật quy định để tiến hành điều tra lại vụ án theo quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm, Tái thẩm. Điều tra lại được tiến hành trong những trường hợp vụ án được đưa ra xét xử nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để điều tra lại. Khi điều tra lại, thời hạn và gia hạn điều tra được áp dụng theo thời hạn điều tra chung được nêu ở mục 1. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về các loại thời hạn trong tố tụng hình sự. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666