HỎI ĐÁP: LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là gì? - Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác. Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau: 1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. 2. Quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu. Như vậy, theo quy định trên thì thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được xác định là UBND xã. 2. Cần lưu ý gì khi xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 2.1. Trường hợp người yêu cầu đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau Người yêu cầu có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình - Nếu người yêu cầu không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND xã có văn bản đề nghị UBND xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó; - Sau khi nhận được văn bản đề nghị, UBND tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về tình trạng hôn nhân trong thời gian thường trú tại địa phương của người có yêu cầu. - Nếu kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật hoặc sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cho phép người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình. 2.2. Trường hợp yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng Người yêu cầu phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó - Trường hợp không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được. - Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. - Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân. 2.3. Đối với hồ sơ - Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp 01 bản cho người yêu cầu. - Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn thì trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu. - Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết. - Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc xác nhận để sử dụng cho việc đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. - Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp + Có thể nộp bản sao chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu. + Trường hợp nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao giấy tờ đó. - Trường hợp nộp hồ sơ online + Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng. + Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này. + Khi đến cơ quan đăng ký hộ tịch nhận kết quả, người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân xuất trình giấy tờ tuỳ thân, nộp các giấy tờ là thành phần hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định pháp luật hộ tịch. 3. Các cách thức xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân Căn cứ tiểu mục 16 Mục A Phần II Phụ lục Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 528/QĐ-BTP năm 2023, việc thực hiện thủ tục xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện theo các cách thức sau: - Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã ; - Hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính; - Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (https://dichvucong.---.gov.vn). Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc xin vui lòng liên hệ ngay với công ty chúng tôi để được giải đáp kịp thời. Trân trọng./.
Cơ quan nào thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi? -  Việc nuôi con nuôi làm thay đổi căn bản tình trạng nhân thân của người nuôi và con nuôi, nên việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Đăng ký việc nuôi con nuôi là xác nhận một sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên, do sự khác nhau về chủ thể nên việc áp dụng pháp luật để xác định các điều kiện con nuôi khác nhau, dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, cần có sự phân biệt chủ thể để có thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi. Trên quy định của pháp luật hiện hành Công ty Luật VietLawyer chia sẻ với bạn đọc như sau:  Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010, cơ quan thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi được quy định cụ thể: – Khi nhận nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi; – Khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của con nuôi; – Khi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nơi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi được hướng dẫn cụ thể tại  Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP như sau: – Trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; – Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Đảng viên ngoại tình thì bị xử phạt như thế nào? - Hiện nay, việc ngoại tình diễn ra khá phổ biến, vậy đảng viên ngoại tình thì bị xử phạt như thế nào? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Căn cứ Điều 51 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, Đảng viên có hành vi ngoại tình có thể bị xử lý kỷ luật như sau: "Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình 1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: a) Can thiệp việc kết hôn, ly hôn hoặc để con tảo hôn. b) Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên. c) Cản trở người không trực tiếp nuôi con được thăm con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của toà án). d) Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật. đ) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi. e) Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng. g) Vi phạm pháp luật về mang thai hộ. 2. Trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): a) Vi phạm việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn. b) Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến người khác đăng ký kết hôn không hợp pháp hoặc trái quy định. c) Khai gian dối hoặc có hành vi lừa dối khi đăng ký kết hôn hoặc cho, nhận nuôi con nuôi; có con với người khác khi đang có vợ hoặc chồng." Đảng viên ngoại tình thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà đảng viên đó có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức hay nặng nhất thì có thể bị khai trừ khỏi Đảng. Ngoài việc bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng thì đảng viên còn bị xử phạt hành chính hoặc truy cứ trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kịp thời,
Tôi có hộ khẩu tại quận A, thành phố Hà Nội. Năm 2014, tôi kết hôn với người đàn ông mang Quốc tịch Trung Quốc tại cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Đầu năm 2021, tôi sinh con tại Trung Quốc và đã đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Khi đăng ký khai sinh vợ chồng tôi đã lựa chọn cho con mang quốc tịch Việt Nam. Dự định đầu năm nay, tôi sẽ về nước để làm thủ tục ghi chú kết hôn của tôi và ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh cho con. Xin hỏi, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết các việc trên và hồ sơ, thủ tục giải quyết như thế nào? Đối với câu hỏi trên của bạn. Công ty Luật VietLawyer xin giải đáp như sau: Trước hết để được làm thủ tục ghi chú kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, chị cần phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, cụ thể như sau: “1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. 2. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch.” 1.Về thẩm quyền giải quyết Tại khoản 1, Điều 48 Luật Hộ tịch quy định: “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.”.  Như vậy, theo quy định này thì UBND quận A là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ghi chú kết hôn của chị và ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh cho con chị. 2.Thủ tục ghi chứ kết hôn Thủ tục ghi chú kết hôn được quy định tại Điều 50 Luật Hộ tịch và Điều 35 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, cụ thể như sau: “Điều 50. Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, huỷ việc kết hôn 1. Người yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn nộp tờ khai theo mẫu quy định và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh các việc này đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 2. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.”  “Điều 35. Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn 1. Hồ sơ ghi chú kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Luật Hộ tịch, gồm các giấy tờ sau đây: a) Tờ khai theo mẫu quy định; b) Bản sao Giấy tờ chứng nhận việc kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp; c) Ngoài giấy tờ quy định tại Điểm a và b của Khoản này, nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì còn phải nộp bản sao giấy tờ của cả hai bên nam, nữ quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này; nếu là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này. 2. Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.” 3.Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh được quy định tại Điều 49 Luật Hộ tịch và khoản 1 Điều 22 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp, cụ thể như sau: “Điều 49. Thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử 1. Người yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh các việc này đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho cơ quan đăng ký hộ tịch. 2. Sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch kiểm tra, nếu thấy yêu cầu là phù hợp thì ghi vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu. Trong trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.”  “Điều 22. Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài 1. Công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nếu có yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh thì cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch, cấp Trích lục ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh và bản sao Giấy khai sinh cho người yêu cầu.” Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc ghi chú kết hôn và ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Cháu năm nay 14 tuổi. Khi sinh cháu, mẹ khai sinh cho cháu mà không có tên bố do bố mẹ cháu chưa đăng ký kết hôn. Bố cháu bị bệnh và mất cách đây hơn 10 năm. Hiện nay mẹ cháu đã lấy chồng khác và sinh được 2 em. Còn cháu muốn chuyển về sống với ông bà nội. Cháu xin hỏi bố cháu đã mất thì cháu có được nhận bố không? Thủ tục như thế nào? Cảm ơn cháu đã đặt câu hỏi về cho Công ty Luật VietLawyer. Công ty xin giải đáp thắc mắc của cháu như sau: Căn cứ Khoản 1, Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”. Đối chiếu với quy định trên thì cháu có quyền nhận cha đẻ của mình (cho dù cha cháu đã chết). Do cháu là người chưa thành niên nên mẹ cháu sẽ là người có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết thủ tục con nhận cha theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Hộ tịch: “3. Người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật” và quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 101 của Luật này (không có tranh chấp).   Về thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:  “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con”. Thủ tục đăng ký con nhận cha được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch, theo đó mẹ cháu cần chuẩn bị các giấy tờ và đến nộp tạ i. Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của hai mẹ con. Các giấy tờ gồm: - Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; - Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Về chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con được quy định tại Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT- BTP, gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: 1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con. 2. Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Ủy ban nhân dân xã sẽ xem xét, thẩm tra hồ sơ, nếu thấy việc con nhận cha là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cấp trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con cho chị. Căn cứ trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân xã ghi bổ sung phần khai về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của cháu. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về thủ tục con ngoài giá thú nhận cha. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
"Cho tôi hỏi khi vụ án bị đình chỉ giải quyết người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại hay không? Tôi có yêu cầu ly hôn đơn phương. Nhưng sau đó vì cô ấy ăn năn hối lỗi nên tôi đã rút đơn ly hôn. Và có quyết định đình chỉ giải quyết. Nhưng mâu thuẫn của hai vợ chồng vẫn tiếp diễn và hiện tại đã không thể hàn gắn được, vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi nộp đơn ly hôn lại có được không? Mong được hỗ trợ, xin chân thành cảm ơn!" Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời bạn như sau:  1. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong những trường hợp nào? Căn cứ khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định sau đây: "Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện ... 3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây: a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại; c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện; d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật." Theo đó, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện trong những trường hợp nêu trên. 2. Khi vụ án bị đình chỉ giải quyết người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại hay không? Căn cứ Điều 218 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định: "Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự 1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật". Đối chiếu quy định trên, nếu rơi vào trường hợp khoản 3 Điều 192 và điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật này thì nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện lại. Như vậy, trường hợp của bạn rút đơn ly hôn, Tòa án đã có quyết định đình chỉ giải quyết thì bạn vẫn được nộp đơn xin ly hôn lại. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Vợ chồng tôi đã ly hôn được 3 năm nhưng giờ muốn kết hôn lại với nhau có được không? - Chị M.Nhung (Hà Nam)  Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời như sau: Về quy định đăng ký kết hôn:  Theo khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn." Như vậy, vợ chồng chị đã ly hôn thì vẫn kết hôn lại được.  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Tôi và chồng đã làm đám cưới được 2 năm nhưng chưa đăng ký kết hôn. Bây giờ đăng ký kết hôn có bị phạt không? - Chị T.Hương (Hà Tĩnh) Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời như sau: Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện đăng ký kết hôn như sau: - Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: + Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; + Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; + Không bị mất năng lực hành vi dân sự; + Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. - Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các trường hợp bị cấm trong hôn nhân như sau: - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; - Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Ngoài ra khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau: - Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. - Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. Như vậy, việc việc vợ chồng chị đã kết hôn nhưng chưa đăng ký kết hôn thì không có quy định về xử phạt. Pháp luật cũng không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới, cũng như không quy định sau cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Như vậy việc không đăng ký kết hôn hoặc chậm đăng ký kết hôn thì cũng sẽ không bị xử phạt, việc xử phạt chỉ xảy ra khi việc kết hôn rơi vào các trường hợp bị cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Việc mang thai hộ vì mục đích thương mại có phải hành vi vi phạm pháp luật? – Hiện nay nhiều trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn lựa chọn biện pháp mang thai hộ để có con. Bởi vậy mà nhiều cá nhân đã lợi dụng điều này để chuộc lợi, vì mục đích thương mại. Sau đây Công ty Luật VietLawyer xin được giải đáp với quý khách hàng và bạn đọc. 1. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì? Theo khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mang thai hộ được hiểu là: “Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.” 2. Mang thai hộ vì mục đích thương mại có vi phạm pháp luật? Tại Điểm g, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình: “2. Cấm các hành vi sau đây: ... g) Việc thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.” 3. Chế tài xử phạt đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tại Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau: “ Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về sinh con 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại. 2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.” Bên cạnh đó, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" như sau: “1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đối với 02 người trở lên; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Từ các quy định, điều luật trên có thể thấy, việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật. Để đảm bảo về mặt kỹ thuật sinh sản cũng như pháp lý, việc mang thai hộ đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Vợ tôi ngoại tình trong thời gian trong thời kỳ hôn nhân, vậy vợ tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? - Q.Hùng (Nghệ An) Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời câu hỏi của bạn như sau:  Hiện nay việc sống chung như vợ chồng sẽ bị xử phạt hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 1. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thì người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với các hành vi sau: - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ. (Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP) 2. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 Tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy đinh về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:  "1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó." Như vậy, dựa vào hậu quả của việc ngoại tình vợ bạn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Tôi muốn thay đổi họ cho con theo họ của mình liệu cần sự đồng ý của bố cháu? - Chị M.Hiền (Hà Giang) Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên cơ sở pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời chị như sau: Tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015: "Điều 27. Quyền thay đổi họ 1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây: a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;" Tiếp đó, căn cứ khoản 1 Điều 7 ​Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: "Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch 1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó." Như vậy, chị được quyền thay đổi họ cho con sang họ của mẹ tuy nhiên nếu con chị dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của bố đẻ của cháu và trong trường hợp con từ đủ 09 tuổi trở lên thì cần phải có cả sự đồng ý của con. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Luật sư cho tôi hỏi, những trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình? - M.Tiến (Bắc Ninh) Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời bạn như sau:  Những trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình:  1. Đăng ký kết hôn Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ bắt buộc phải có mặt. (Theo quy định tại Quyết định 3814/QĐ-BTP ) 2. Ly hôn Đối với yêu cầu xin ly hôn đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình để làm một số thủ tục khi nộp đơn ly hôn. Tuy nhiên, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong việc ly hôn. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện. (khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) 3. Đăng ký nhận cha, mẹ, con Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt (khoản 1 điều 25 Luật Hộ tịch 2014). 4. Công chứng di chúc của mình Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc (Theo Điều 56 Luật công chứng 2014) 5. Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc Nếu người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền. (Theo Điểm a Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) 6. Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một người khác (người đã ủy quyền) mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (người sắp ủy quyền). (Theo Điểm b Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) Như vậy, có 6 trường hợp không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình.  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ 
 
hotline 0927625666