TRẢ LỜI: LUẬT LAO ĐỘNG

Bạn Phạm Thuật có đặt có đặt câu hỏi về cho Luật sư: Thưa luật sư, xin hỏi: Sau khi bị sa thải thì người lao động có nhận được những khoản trợ cấp nào không ? Cảm ơn! 1. Người lao động bị sa thải có được trợ cấp gì không? Cảm ơn về câu hỏi của bạn. Dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, Luật sư tư vấn cho bạn như sau: 1.1. Căn cứ sa thải theo quy định pháp luật lao động Theo quy định của Bộ luật lao động người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải khi vi phạm một trong những căn cứ như: + Có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc. + Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động + Gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động + Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa được xóa kỷ luật + Người lao động bị xử lý kỷ luật cách chức mà vẫn tái phạm + Người lao động tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng trong 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm. Vậy nếu như người lao động bị sa thải thì các quyền lợi, chế độ được hưởng sẽ là những gì? Có khác gì so với người lao động nghỉ việc thông thường. 1.2. Các khoản tiền được nhận khi bị sa thải 1.2.1 Trợ cấp thôi việc Trợ cấp thôi việc là khoản hỗ trợ từ phía người sử dụng lao động cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt. Tuy nhiên khoản trợ cấp này không trả cho tất cả người lao động khi chấm dứt hợp đồng, trợ cấp thôi việc chỉ áp dụng trong 10 trường hợp chấm dứt hợp đồng được liệt kê tại điều 46 Bộ luật lao động năm 2019 Điều 46. Trợ cấp thôi việc 1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này - Hết hạn hợp đồng lao động; - Công việc theo hợp đồng lao động được hoàn thành; - Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; - Người lao động bị kết án tù giam, tử hình, bị cấm làm việc; - Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc tuyên bố chết; - Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật; - Người sử dụng lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc tuyên bố chết; hoặc chấm dứt hoạt động; - Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Đối với trường hợp sa thải, người lao động sẽ không nhận được trợ cấp thôi việc, bởi như đã trình bày ở trên việc sa thải dựa trên vi phạm trong quá trình làm việc của người lao động nên người lao động không có quyền hưởng trợ cấp thôi việc. 1.2.2 Trợ cấp thất nghiệp Đối với trợ cấp thất nghiệp thì người lao động bị sa thải vẫn có thể được hưởng, khi đáp ứng các điều kiện sau đây: + Chấm dứt hợp đồng (trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật) + Trước khi bị sa thải phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu 12 tháng + Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày có quyết định sa thải phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm, hồ sơ gồm có: 1. Đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp (tham khảo tại đây: Mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất ) 2. Sổ bảo hiểm xã hội 3. Bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực quyết định sa thải. Như vậy dựa theo quy định của Luật việc làm về chế độ trợ cấp thất nghiệp thì pháp luật không loại trừ trường hợp sa thải thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, miễn sao người lao động bị sa thải đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như những trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp khác. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính theo năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng một đến ba năm thì hưởng trợ cấp 3 tháng; thêm một năm được hưởng trợ cấp thêm một tháng. Mức hưởng được tính bằng 60% dựa trên bình quân lương của 6 tháng trước khi người lao động bị sa thải. 1.2.3 Bảo hiểm xã hội một lần Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được quy định như sau: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau một năm nghỉ việc. Khác với trợ cấp thôi việc và thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần không phân biệt người lao động chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào, không loại trừ người lao động bị sa thải mà chỉ cần người lao động không tiếp tục làm việc tại đơn vị sử dụng lao động, không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội trong một năm và tính đến thời điểm đề nghị hưởng bảo hiểm một lần thì tổng thời gian đóng bảo hiểm là dưới 20 năm. Vì thế người lao động bị sa thải vẫn có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thỏa mãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội là dưới 20 năm. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm có các giấy tờ sau: 1. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần (tải tại đây: Mẫu đơn xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần bản cập nhật mới nhất) 2. . Sổ bảo hiểm xã hội Mức hưởng: Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; >> Như vậy, trong các khoản trợ cấp mà người lao động thường nhận khi nghỉ việc thì chỉ có trợ cấp thôi việc là người lao động bị sa thải không được nhận, còn trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần nếu như đủ điều kiện luật định thì người lao động vẫn được hưởng. Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi, mọi vướng mắc về vấn đề sa thải và chế độ của người lao động cần tư vấn, mời quý khách hàng liên hệ hotline 0927.625.666 để được hỗ trợ chi tiết. Trân trọng cảm ơn!
Thời giờ làm việc tối đa của người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi là bao nhiêu? Căn cứ theo khoản 2 Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Thời giờ làm việc của người chưa thành niên 1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. 2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Theo đó, thời giờ làm việc tối đa của người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Ngoài ra người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm các công việc gì? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: Công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi 1. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây: a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; b) Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; c) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; d) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; đ) Phá dỡ các công trình xây dựng; e) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; g) Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; h) Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. 2. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây: a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; b) Công trường xây dựng; c) Cơ sở giết mổ gia súc; d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. 3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục tại điểm h khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều này. Như vây, căn cứ theo quy định nêu trên thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động không được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm các công việc sau: - Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; - Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; - Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; - Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; - Phá dỡ các công trình xây dựng; - Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; - Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; - Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định pháp luật - Trợ cấp thất nghiệp là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trong thời gian không có việc làm hoặc chờ tìm kiếm công việc mới. Người được hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013. Cụ thể: 1/ Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm  Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thuộc một trong các trường hợp sau thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; - Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lap động, hợp đồng làm việc trái pháp luật  - Hưởng lương hưu; trợ cấp mất sức lao động hàng tháng 2/ Đáp ứng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định hoặc không xác định thời hạn thì phải đóng đủ từ 12 tháng trở lên trong thời hạn 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong thời hạn 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. 3/ Đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dich vụ việc làm 4/ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị Một số trường hợp thì người lao động không cần đáp ứng điều kiện này, đó là: – Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; – Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; – Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; – Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; – Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; – Chết. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ 
Trường hợp nào người lao động được bồi thường tai nạn lao động? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định: "Điều 3. Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Các trường hợp được bồi thường: a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra; trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.  b) Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên)." Theo đó tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định: "Điều 4. Trợ cấp tai nạn lao động 1. Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động)." Như vậy theo quy định trên bạn được bồi thường tai nạn lao động trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra.  Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Tôi làm công nhân tại 1 khu công nghiệp, vài ngày trước tôi có bị tai nạn trong lúc làm việc nhưng phía doanh nghiệp không cho tôi hưởng bất cứ chế độ nào. Vậy Luật sư cho hỏi có những trường hợp nào không được hưởng chế độ tai nạn lao động? A.Dương (Bắc Ninh) Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Dựa vào cơ sở pháp luật hiện hành, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin để giải đáp thắc mắc của bạn như sau:  Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có quy định tại Điều 40 và Điều 45 thì khi người lao động gặp tai nạn lao động thực tế nhưng thuộc vào một trong các trường hợp cụ thể sau đây sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động: - Tai nạn lao động thuộc các trường hợp có quy định nhưng mức độ suy giảm khả năng lao động dưới 5%  - Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hện công việc, nhiệm vụ lao động - Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân  - Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. Người lao động sẽ được hưởng chế độ tại nạn lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015: - Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ Luật Lao động và nội quy cho phép - Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thư thiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động - Bị tại nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và quãng đường hợp lý  Từ những thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây, bạn có thể áp dụng xem trường hợp của mình có đủ điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không. Nếu trường hợp của bạn chỉ bị suy giảm khả năng lao động dưới 5%, bạn vẫn được phép hưởng một số quyền lợi chính đáng theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:  - Được người sử dụng lao động kịp thời sơ cứu, cấp cứu và được tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu - Được người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí giám định, chi phí y tế ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế từ khi sơ cứu đến khi hồi phục ổn định - Được nhận đủ tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị, phục hồi  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer để giải đáp thắc mắc của bạn A.Dương đến từ Bắc Ninh. Hy vọng với những thông tin chúng tôi cung cấp, bạn có thể xử trí vấn đề một cách hợp lý nhất. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/         
Tôi là lao động ở KCN Song Khê, Bắc Giang, mới đây tôi đi làm lại sau khoảng thời gian nghỉ thai sản thì nhận được thông báo sa thải của doanh nghiệp. Luật sư có thể tư vấn cho tôi nên làm thế nào bây giờ ạ?  - K.Linh (Bắc Giang) Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi tư vấn cho bạn một số thông tin để xử trí trong tình huống này như sau: Đầu tiên, trường hợp người lao động là nữ đang mang thai, đang nghỉ thai sản như bạn thuộc vào một trong những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 3, Điều 37 Bộ Luật Lao động năm 2019 Tại Điểm d, Khoản 4, Điều 122 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật thì trường hợp trong tình huống của bạn, người sử dụng lao động không được phép xử lý kỷ luật lao động trong thời gian bạn mang thai và nghỉ thai sản Pháp luật lao động cũng có quy định về bảo vệ thai sản tại Điều 137, trong đó có nói chỉ có trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì người sử dụng lao động mới được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lí do mang thai, nghỉ thai sản Người sử dụng lao động trong trường hợp này phụ thuộc vào trường hợp vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng theo căn cứ tại Điểm i, Khoản 2, Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bắt buộc phải nhận lại người lao động để thực hiện tiếp hợp đồng lao động đã ký từ trước. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm, bạn có thể đòi lại quyền lợi chính đáng của mình thông qua một số cách sau đây:  - Khiếu nại đến với cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động như sau: + Lần đầu khiếu nại tới người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động không giải quyết hoặc bạn không đồng ý với cách giải quyết của người sử dụng lao động thì thực hiện khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện trực tiếp tại Tòa án + Lần hai khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Nếu phát hiện ra sai phạm trong khi xử lý, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt và lấy lại quyền lợi chính đáng cho bạn - Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết - Khởi kiện trực tiếp tới Tòa án theo quy định tại Điều 188 Bộ Luật lao động năm 2019 Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer để giải đáp thắc mắc của bạn K.Linh đến từ Bắc Giang. Hy vọng với những thông tin chúng tôi cung cấp, bạn có thể xử trí vấn đề một cách hợp lý nhất. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/         
Thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc? - Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động. Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Công ty Luật VietLawyer xin chia sẻ về vấn đề này như sau: 1. Các hình thức hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc  Hành vi quấy rối tình dục có thể tồn tại dưới dạng trao đổi hoặc hành vi. Các hành vi quấy rối qua hình thức trao đổi tồn tại dưới dạng như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc. Người quấy rối có thể hiện bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. Người quấy rối cũng có thể thể hiện phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử. Các hành vi quấy rối qua hình thức hành vi thể hiện qua những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối. Các hành vi cụ thể có thể là hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. 2. Khái niệm "nơi làm việc" có thể thực hiện hành vi quấy rối tình dục  Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định. Khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu cập nhật quy định công ty về phòng, chống quấy rối tình dục hoặc cần tư vấn khi bị quấy rối tình dục, vui lòng liên hệ Công ty Luật VietLawyer để được tư vấn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng
Thời gian nghỉ thai sản của người lao động nữ là bao nhiêu lâu? - Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Căn cứ vào Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: "Điều 139. Nghỉ thai sản 1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. 2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. 4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội." Theo như quy định trên thì người lao động nữ sẽ có tổng thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng sao cho thời gian nghỉ thai sản trước khi sinh con tối đa là 2 tháng. Nếu như người lao động nữ sinh đôi trở lên, thì cứ mỗi một người con thì người lao động nữ sẽ được nghỉ thai sản thêm 01 tháng. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
Người lao động nữ mang thai có được quyền yêu cầu tạm hoãn hợp đồng lao động đã ký kết hay không? - Công ty Luật VietLawyer xin trả lời như sau: Căn cứ vào Điều 138 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: "Điều 138. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai 1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. 2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động." Theo như quy định trên thì người lao động nữ mang thai có quyền yêu cầu tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc nếu người lao động nữ tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động của người lao động nữ mang thai sẽ do 02 bên thỏa thuận với nhau sao cho thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động ít nhất phải bằng với thời gian cơ sở khám bệnh chỉ định người lao động tạm nghỉ. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với công ty chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp kịp thời.
Có được sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm không? Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định về số giờ làm thêm trong 01 năm như sau: " Điều 1. Số giờ làm thêm trong 01 năm 1. Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi..." Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Như vậy, trường hợp nhân viên công ty bạn là lao động nữ mang thai tháng thứ 7 đồng ý và công ty cũng có nhu cầu sử dụng người lao động làm thêm giờ nhưng trong trường hợp này lao động nữ mang thai tháng thứ 7 là trường hợp pháp luật không cho phép nên công ty bạn không được sử dụng lao động nữ đang mang thai này. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để giải quyết kịp thời.
Tôi mang thai hộ, chồng tôi và tôi đều đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ vậy anh ấy được hưởng chế độ thai sản không? - Chị M.Hoa (Thanh Hoá) Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời như sau:  Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản  Cụ thể: Tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định  Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: a) 05 ngày làm việc; b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Về mức hưởng chế độ thai sản thì người chồng của người mang thai hộ sẽ được hưởng với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nhân cho số ngày được nghỉ theo quy định và chia cho 24 ngày. Trường hợp người chồng đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội nhân cho số ngày được nghỉ và chia cho 24 ngày. Như vậy, chồng của chị đang đóng bảo hiểm xã hội khi chị sinh con thì cũng được hưởng các chế độ thai sản theo quy định pháp luật như thời gian được nghỉ việc chăm vợ con và mức hưởng trong những ngày nghỉ đó. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666