BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính? -Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật liên quan. Vậy có thể khởi kiện hành chính với những đối tượng nào? Mời bạn đọc cùng Công ty Luật VietLawyer tìm hiểu qua bài viết dưới đây: 1. Đối tượng khởi kiện hành chính là gì?  Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là quyết định hành chính mang tính cá biệt do cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành hay là hành vi hành chính của công chức nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước áp dụng đối với cá nhân, tổ chức và một số đối tượng khác được cho là xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó. (Ảnh minh họa: Đối tượng khởi kiện hành chính) 2. Đối tượng khởi kiện hành chính bao gồm những gì? 2.1 Quyết định hành chính bị kiện Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015, một quyết định hành chính bị kiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: - Hình thức của quyết định hành chính bị kiện là văn bản, có thể được thể hiện dưới những tên gọi khác nhau như quyết định, công văn, thông báo… - Do cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước (chủ thể quản lý nhà nước) hoặc một số chủ thể khác được trao quyền quản lý ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động quản lý, điều hành trong phạm vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ công quyền của họ. - Nội dung của quyết định hành chính luôn mang tính mệnh lệnh, áp đặt, bắt buộc các đối tượng bị quản lý phải phục tùng, chấp hành. - Quyết định hành chính là quyết định cá biệt, được áp dụng một lần cho một hoặc một số đối tượng cụ thể và có hiệu lực trong một khoảng thời gian cụ thể. - Quyết định hành chính đó phải làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2.2 Hành vi hành chính bị kiện Dấu hiệu của hành vi hành chính bị kiện được Luật tố tụng hành chính quy định tại Điều 3 và Điều 4, bao gồm: - Một là, do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được trao quyền quản lý thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động quản lý, điều hành. - Hai là, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước. - Ba là, biểu hiện cụ thể bằng các hành vi thực hiện hoặc không thực hiện công vụ do nhà nước giao, nhân danh nhà nước và vì lợi ích của nhà nước. - Bốn là, hành vi mang tính cá biệt. - Năm là, hành vi đó ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lưu ý: Khi xác định đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cần xem xét có thuộc trường hợp mà pháp luật quy định không phải là đối tượng khởi kiện tại Tòa án hay không? Gồm 3 trường hợp sau: - Những quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định. - Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở các hoạt động tố tụng của Tòa án. Các quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính được ban hành hoặc thực hiện trong quá trình Tòa án thực hiện chức năng, thẩm quyền liên quan đến xử lý vi phạm hành chính. Các quyết định, hành vi này nếu không hợp pháp hoặc bị cho rằng không hợp pháp thì có phương thức xử lý riêng quy định tại Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. - Những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đó là các quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó. 2.3 Các đối tượng khởi kiện khác Trường hợp có liên quan đến các vấn đề như bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân, kỷ luật công chức hay quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đây cũng được coi là một trong các đối tượng khởi kiện theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Trên đây là nội dung giới thiệu của Công ty Luật VietLawyer về đối tượng khởi kiện hành chính. Mọi nhu cầu thắc mắc hoặc cần luật sư hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0927625666. Trân trọng ./. =================================================================================
 
hotline 0927625666