BÀI VIẾT MỚI NHẤT

"Phạt nguội" vi phạm giao thông từ phản ảnh của người dân qua mạng xã hội Ngày 8/10 vừa qua, trên các phương tiện báo chí phản ánh một người phụ nữ điều khiển môtô phân khối lớn buông cả hai tay tại địa bàn TP.Thủ Đức và một đoạn clip ngắn trên Facebook có nickname “NGỌC TRINH” (số ID: 594433115371267) có 42.400 lượt thích, 517 lượt chia sẻ với nội dung một người phụ nữ điều khiển phương tiện xe môtô biển số 59AA-001.** di chuyển trên cầu Ba Son. Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết qua nguồn tin phản ánh trên phương tiện báo chí, Công an TP.Thủ Đức đã tiếp nhận đoạn clip. Đội CSGT Bến Thành (Phòng CSGT TP Hồ Chí Minh) và Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của bà Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) tại nhà người này. Lực lượng CSGT hai đơn vị đã phân công cán bộ phối hợp Công an phường Phú Hữu (TP.Thủ Đức) liên lạc với người vi phạm tại nơi ở của Ngọc Trinh nằm trên địa bàn phường Phú Hữu. Ngọc Trinh đồng ý làm việc với CSGT tại nhà, lý do là vừa bị ngã xe, đang bị thương ở chân không đi lại được. Buổi làm việc có sự chứng kiến của Công an phường Phú Hữu. Làm việc với CSGT, Ngọc Trinh thừa nhận các hành vi vi phạm khi lái mô tô qua cầu Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1), Khu Công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức). N.T dang hai tay, đứng trên môtô phân khối lớn chạy trong đoạn đường thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: VietNamplus Dưới góc nhìn của luật sư, sau vụ việc này chúng tôi nhận thấy việc xử lý các vi phạm về giao thông qua quá trình tiếp nhận nguồn tin phản ánh trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông từ người dân đã thực sự dần đi vào thực tiễn. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, mạng xã hội ra đời đáp ứng kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của người dân. Với những thông tin, sự kiện diễn ra thường ngày khắp mọi nơi trên thế giới đều được truyền tải qua mạng xã hội. Trong số đó, có không ít những thông tin phản ánh về tình hình trật tự an toàn xã hội xung quanh chúng ta. Đặc biệt những thông tin được đăng tải phổ biến nhất trên mạng xã hội hiện nay là những thông tin liên quan đến vấn đề sai phạm trật tự an toàn giao thông. Nhiều bạn đọc còn thắc mắc, liệu CSGT có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp trên hay không? Tại khoản 2 Điều 74 nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định thẩm quyền xử phạt của CSGT trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Theo đó có thể thấy CSGT có thẩm quyền xử phạt rất nhiều tình huống, hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông. Đồng thời căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cụ thể theo khoản 11 Điều 80 của Nghị định này có quy định về trường hợp người có thẩm quyền được phép sử dụng những thông tin từ từ tổ chức cá nhân cung cấp để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính như sau: Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt …. 11. Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này. Như vậy, CSGT được quyền sử dụng thông tin, hình ảnh từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm giao thông. Cùng với đó, Điều 24 Thông tư 32/2023/TT-BCA và đã nêu rõ Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 135/2021/NĐ-CP: Điều 29. Thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính 1. Đơn vị Cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh) gồm: a) Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; b) Phòng Cảnh sát giao thông; c) Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an cấp huyện. … 5. Căn cứ kết quả xác minh quy định tại khoản 4 Điều này, Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc thực hiện gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an đã gửi thông báo để làm rõ vụ việc (theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này).... Như vậy, ngoài tuần tra kiểm soát, tăng cường các chốt giao thông ở những “điểm nóng”, “điểm đen”, CSGT còn phạt nguội qua hệ thống camera và phạt nguội qua thông tin phản ánh của người dân hay những thông tin qua mạng xã hội. Việc có thêm sự vào cuộc, tham gia của người dân trong việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm an toàn giao thông sẽ có tác dụng răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông và văn hóa giao thông trong thời gian tới.
Bàn về việc không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng Theo trang báo kienthuc.net.vn đăng tải thông tin ngày 1/10/2023: “Sáng 1/10, lực lượng chức năng cho hay đã bắt giữ người phụ nữ tên Dung để điều tra về hành vi giết người. Dung là nghi phạm trong vụ cô gái bị sát hại tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trưa ngày 30/9/2023.Trích xuất camera tại thời điểm xảy ra vụ việc cho thấy, hiện trường có sự xuất hiện của một người đàn ông chưa rõ danh tính. Ban đầu, khi nghi phạm đứng nói chuyện với nạn nhân, người đàn ông đang đi bộ về hướng ngược lại. Lúc nghi phạm đẩy nạn nhân ngã xuống đất, người đàn ông quay lại và nhìn thấy toàn bộ hành vi của nghi phạm, tuy nhiên, người này bỏ đi.” Nhiều bạn có đặt câu hỏi về cho Luật sư của VietLawyer rằng: Liệu người đàn ông chứng kiến và bỏ đi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Trong pháp luật hình sự Việt Nam không chỉ quy định về các loại tội phạm thực hiện hành vi, gây hậu quả mà còn có những loại tội phạm không thực hiện hành vi, nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một trong số đó là “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Luật sư của VietLawyer cho rằng, trong một số trường hợp, việc giúp đỡ người khác không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Tại Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau: 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. ... Mặt khách quan của tội này là hành vi không cứu giúp người khác khi thấy người đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Tội phạm thực hiện bằng hành vi không hành động, người phạm tội biết người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cứu giúp ngay thì hậu quả chết người có thể xảy ra. + Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng nguy hiểm đang diễn ra hết sức khẩn cấp, tự thân nạn nhân không khắc phục được đòi hỏi phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng của nạn nhân. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể do khách quan đưa lại, do chính nạn nhân gây ra hoặc do người phạm tội vô ý gây ra. + Dấu hiệu “thấy” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc người phạm tội ý thức được nạn nhân và tình trạng nguy hiểm của nạn nhân bằng các cách khác nhau như nhìn thấy, nghe thấy hay cảm nhận được tín hiệu về tình trạng nguy hiểm đối với nạn nhân bằng trí thức khoa học, kinh nghiệm bản thân hoặc biết được nguồn đó từ một nguồn khác (nghe người khác nói). + Dấu hiệu bắt buộc liên quan đến hành vi không cứu giúp nạn nhân của chủ thể phải gắn liền với việc người đó có điều kiện cứu giúp nạn nhân. Điều kiện của người cứu giúp được đánh giá qua nhiều cơ sở khác nhau như năng lực chủ quan, điều kiện khách quan cụ thể. Không cứu giúp là trường hợp người phạm tội thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, lờ đi nên nạn nhân bị chết. Hiện nay, sự việc vẫn đang được cơ quan điều tra Thành phố Thủ Đức phối hợp với Cơ quan điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ về động cơ, mục đích g.!ết người của người phụ nữ, cũng như những người có liên quan đến vụ án. Nếu cơ quan điều tra thu thập được các chứng cứ chứng minh việc người đàn ông trong đoạn clip đã nhìn thấy được cảnh nạn nhân đang bị người phụ nữ dùng da.o khống chế, nguy hiểm tới tính mạng mà thờ ơ, bỏ mặc, không báo cơ quan chức năng hay người dân xung quanh để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hay cứu giúp nạn nhân thì người đàn ông đó sẽ đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
 
hotline 0927625666