1. Vi bằng là gì?
Khoản 3, điều 2, Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Nói cách khác, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu có). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng
2. Giá trị pháp lý của vi bằng
Theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau:
- Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
3. Các trường hợp nên thừa phát lại lập vi bằng
Như chúng tôi đã phân tích thì trong giao dịch mua bán tài sản có thể lập vi bằng đối với rất nhiều sự kiện, hành vi. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau đây các bạn nên lập vi bằng mua bán tài sản để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình:
3.1. Lập vi bằng trước khi mua bán tài sản
Trước khi mua bán tài sản một cách chính thức, khách hàng thường có nhu cầu lập vi bằng bằng để ghi nhận hành vi, sự kiện đặt cọc làm căn cứ cho quá trình mua bán sau này.
Trong quá trình thực hiện việc đặt cọc mua bán tài sản các bạn có thể thỏa thuận về nhiều vấn đề như: Thời gian, địa điểm đặt cọc; Số tiền cọc; Quyền và nghĩa vụ của các bên khi đặt cọc; Phạt vi phạm…
Vi bằng được lập sẽ là cơ sở để các bên thực hiện nghĩa vụ cũng như bảo đảm quyền lợi của bản thân. Hiện nay, quy định của pháp luật ghi nhận mức phạt cọc trong trường hợp các các bên không thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu như sau:
+ Đối với bên đặt cọc: Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
+ Đối với bên nhận đặt cọc: Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ vào quy định trên, mức phạt cọc được luật định sẵn là khoản tiền tương ứng giá trị đặt cọc. Tuy nhiên, Luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự nên nếu các bên đồng thuận mức phạt cao hơn nhiều lần so với mức luật định hoặc cũng có thể ghi nhận mức thấp hơn hoặc không phạt cọc.
Những thỏa thuận này có thể được ghi nhận dưới hình thức lập vi bằng và khi sử dụng sẽ không phải thực hiện các công việc để chứng minh giá trị của vi bằng mua bán tài sản.
3.2. Lập vi bằng mua bán tài sản khi giao nhận tiền, tài sản
Hiện nay, việc giao nhận tiền, tài sản giữa các bên có nhiều rắc rối mà đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp sau này. Nhiều trường hợp các bên giao dịch thực tế khác với những nội dung được ghi nhận trong văn bản, giấy tờ để nộp cho cơ quan Nhà nước và khi tranh chấp xảy ra bên bị thiệt hại không có căn cứ bảo vệ bản thân.
Vấn đề này xảy ra do nhiều nguyên nhân như các bên ghi nhận giá trên giấy tờ thấp hơn giá giao nhận để giảm thuế;
Sau khi mua đất cho bên bán mượn đất để sử dụng nhưng không làm giấy tờ…..Và để bảo vệ quyền lợi của bản thân các bên nên lập vi bằng mua bán tài sản ghi nhận lại toàn bộ hành vi, sự kiện, thỏa thuận khi các bên giao dịch.
3.3. Lập vi bằng ghi nhận các hành vi, hoạt động sau khi giao nhận tài sản
Thông thường, sau khi các bên giao nhận tài sản thì hoạt động mua bán được coi là hoàn thành. Tuy nhiên, những hệ quả của nó vẫn ảnh hưởng đến các bên nếu như ít nhất một bên trong giao dịch không thực hiện đúng thỏa thuận.
Khi xảy ra các trường hợp này các bạn có thể yêu cầu Thừa phát lại làm vi bằng ghi nhận các sự kiện như: Việc thông báo đến bên vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi (Gửi văn bản, gặp mặt trực tiếp…);
Ghi nhận hành vi vi phạm cụ thể đang diễn ra (Lấn chiếm diện tích đất bao nhiêu; Không ký các giấy tờ sang tên theo yêu cầu…)…
Từ đó, những vi bằng mua bán tài sản này sẽ là căn cứ để các bạn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài những trường hợp nên lập vi bằng nêu trên, khi gặp phải các sự kiện hay hành vi khác có khả năng gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình mua bán tài sản các bạn cũng có thể yêu cầu Thừa phát lại làm vi bằng.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666