Người lao động bị sa thải có được chốt bảo hiểm xã hội không?
Chị A (Hà Giang) đã gửi câu hỏi về Công ty luật VietLawyer để nhờ tư vấn vụ việc như sau: Năm 2022, tôi ký hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với Công ty cổ phần xây dựng HB. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, do con trai tôi bị ốm nằm viện nên tôi xin phép phòng nhân sự nghỉ 5 ngày để chăm sóc cháu, sau 05 ngày tình trạng cháu vẫn chưa tốt nên được nên tôi đã tự ý nghỉ thêm 02 ngày mà không báo với công ty. Do đó Công ty quyết định sa thải đối với tôi vì cho rằng tôi nghỉ quá 5 ngày/ tháng. Từ khi nhận quyết định sa thải đến nay, tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty để xin được chốt sổ và trả lại sổ bảo hiểm xã hội để làm nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, nhưng Công ty vẫn chưa giải quyết cho tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi: Khi tôi bị Công ty sa thải thì có được chốt thời gian đóng BHXH và được trả lại Sổ bảo hiểm xã hội hay không?
Luật sư tư vấn:
Đối với trường hợp của chị A, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm như sau, rất mong có thể giúp chị bảo vệ được quyền lợi của mình:
1. Việc Công ty ra Quyết định sa thải chị A có đúng quy định của pháp luật hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP:
“Điều 31. Kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc
1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.”
Như vậy, người lao động tự ý nghỉ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong 30 ngày đầu kể từ ngày đầu tiên tự ý nghỉ việc thì sẽ bị áp dụng kỷ luật sa thải; nếu tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng
Về các trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH:
“Điều 13. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng
Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
2. Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng bao gồm:
+) Bị thiên tai, hỏa hoạn không khắc phục được;
+) Bản thân, bố mẹ, con hợp pháp bị ốm có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền;
Trong trường hợp của bạn: con của bạn bị bệnh phải nhập viện để cấp cứu, điều trị, do đó việc bạn nghỉ việc chăm sóc con coi là nghỉ việc có lý do chính đáng. Do đó công ty không thể căn cứ vào việc bạn nghỉ việc này để sa thải bạn.
Trong trường hợp công ty vẫn tiến hành sa thải bạn; việc sa thải này trái với quy định của pháp luật. Để bảo đảm quyền lợi của mình; bạn có thể yêu cầu Công đoàn hoặc hòa giải viên tiến hành hòa giải. Nếu không hòa giải được; bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.
2.Người lao động bị sa thải có quyền được chốt và nhận lại sổ bảo hiểm xã hội:
Tại khoản 8 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là:
“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.”
Như vậy, khi người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì họ vẫn được người sử dụng lao động giải quyết các quyền lợi, chế độ như các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khác, cụ thể Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”
Trở lại với câu hỏi của chị A, trong trường hợp chị bị Công ty sa thải, chị vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời trả lại Sổ bảo hiểm xã hội đã giữ của chị.
Việc Công ty giữ sổ bảo hiểm xã hội của chị A là hành vi trái pháp luật, gây khó khăn cho người lao động khi họ thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc các chế độ khác thuộc quyền lợi chính đáng của người lao động. Vì vậy, hành vi giữ sổ của người lao động có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 41 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 41. Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.”
Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt được xác định gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân. Do đó, chị Đ có thể tự mình hoặc ủy quyền cho Công ty Luật lập Công văn yêu cầu Công ty giải quyết việc hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội, đồng thời, phân tích rõ hậu quả pháp lý mà Công ty có thể phải gánh chịu nếu không giải quyết yêu cầu của chị Đ theo quy định của pháp luật.
3. Người lao động bị sa thải cần làm gì để đòi lại sổ bảo hiểm xã hội:
Trong trường hợp quá thời hạn giải quyết quyền lợi cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do sa thải mà người sử dụng lao động vẫn chưa chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì người lao động có các quyền sau:
– Gửi Công văn gửi trực tiếp người sử dụng lao động về việc yêu cầu hoàn thành việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời, trả lại bản cứng sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
– Khiếu nại tới Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động.
– Nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi người sử dụng lao động đóng trụ sở.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ hoặc theo hotline số: 0927.625.666