DỊCH VỤ LUẬT SƯ HÌNH SỰ

Thế nào được coi là cướp tài sản - Cướp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài hình sự. Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 BLHS 2015. Trong thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất chiếm đoạt tài sản, tội phạm cùng xâm hại đến quyền nhân thân và quyền sở hữu tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xảy ra nhầm lẫn trong việc xác định tội danh do dấu hiệu pháp lý đặc trưng của những tội phạm này có điểm tương đồng. Bài viết này công ty Vietlawyer xin trao đổi những điểm đặc trưng của tội cướp tài sản. 1. Cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản 1.1. Khách thể của tội phạm  Hành vi xâm phạm quyền sở hữu và xâm phạm đến quan hệ nhân thân - quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe con người  1.2. Mặt khách quan Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau:  - Dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản; Là dùng sức manh vật chất để tấn công người bị hại, có thể gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại, làm tê liệt sự phản kháng của họ. (ví dụ: đánh, đấm, đâm, chém, bắn người bị hại). Việc dùng vũ lực có thể công khai, cũng có thể là bí mật, lén lút (Ví dụ: đánh công khi trước mặt người bị hại, đánh sau lưng người bị hại để họ không biết ai đánh) - Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản  Là đe dọa dùng ngay tức khắc sức mạnh thể chất. Việc đe dọa ngày nhằm làm cho người bị tấn công hoặc người thân của họ tin và sợ sẽ bị nguy hại ngay đến sức khỏe, tính mạng nếu không chịu khuất phục, nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của họ. Thực tế, việc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thường được kết hợp với thái độ, cử chỉ, lời nói, công cụ phương tiện có trên tay hoặc tương quan lực lượng như đông người đe dọa một người, lợi dụng hoàn cảnh khách quan, thời gian, tình hình xã hội nơi và lúc xảy ra hành vi để tạo nên cảm giác lo sợ của người bị tấn công. - Hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Bao gồm hành vi bắt giữ người trái phép và đe dọa những người thân thích của người bị bắt giữ. Hành vi này có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa dối,... Thường với tội danh này thì người bị bắt giữ là người có quan hệ tình cảm thân thiết với người bị đe dọa. Hành vi đe dọa những người thân thích của người bị bắt giữ là đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị bắt giữ trong trường hợp người bị đe dọa không thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội. Người phạm tội thực hiện các cách thức đe dọa khác nhau như qua thư, qua điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp,.. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn con tin được an toàn.  1.3. Chủ thể của tội phạm Người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự 1.4. Mặt chủ quan  Đều thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp  2. Các tình tiết định khung hình phạt của tội danh 2.1. Có tổ chức Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu. Tuy nhiên, không có sự lượng hóa cụ thể đối với sự câu kết, bàn bạc của những người phạm tội có tổ chức, sự phân công nhiệm vụ, vai trò của những người đồng phạm. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Vì vậy, khi quyết định hình phạt thì mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.  2.2. Có tính chất chuyên nghiệp  Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: - Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích  - Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính Ví dụ: A là người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện các vụ cướp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt phạm tội có tính chất chuyên nghiệp  Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cần phân biệt: - Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là "phạm tội nhiều lần", "tái phạm" (hoặc "tái phạm nguy hiểm") và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp". Ví dụ: B đã bị kết án về tội "cướp tài sản", nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian. B lại liên tiếp thực hiện 02 vụ cướp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là "phạm tội nhiều lần", "tái phạm" (hoặc "tái phạm nguy hiểm") và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp". - Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng 2.3. Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác - Vũ khí: Là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. - Phương tiện nguy hiểm: Là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công: + Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn  + Về vật mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn đồ + Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt - Thủ đoạn nguy hiểm: Là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiên nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi ô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản... 2.4. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ - Phụ nữ mà biết là có thai: được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Ý thức chủ quan của bị cáo nhận thức được nạn nhân là người có thai - Người già yếu: người già được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên - Người không có khả năng tự vệ: Là người trong tình trạng không có hoặc bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do bẩm sinh hoặc do những điều kiện khách quan đem lại như bị như người bị tâm thần, bị bại liệt, bị mù, bị điếc, bị câm, bị tàn tật, đang bị bệnh nặng, bị trói, bị ngất, bị khuyết tật, đang ở trong tình thế khó khăn không thể tự vệ được... 2.5. Tái phạm nguy hiểm Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: - Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; - Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. 2.6. Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh  - Thiên tai: Là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hạn, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác - Dịch bệnh: Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật san người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm  2.7. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp - Tình trạng chiến tranh: Là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. - Tình trạng khẩn cấp: Là khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình. 3. Khả năng chuyển hóa tội phạm liên quan đến tội cướp tài sản - Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản - Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản hoặc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản. - Đối với các trường hợp trên đây chỉ cần kết án kẻ phạm tội về một tội là cướp tài sản..., và coi việc chiếm đoạt (chưa thành hoặc đã thành) trước khi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực là tình tiết diễn biến của tội phạm Khách hàng là cá nhân, tổ chức có thắc mắc về tội cướp tài sản, vui lòng liên hệ Công ty Luật VietLawyer để được tư vấn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
 
hotline 0927625666