TRẢ LỜI : LUẬT HÌNH SỰ

Bàn về việc không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng Theo trang báo kienthuc.net.vn đăng tải thông tin ngày 1/10/2023: “Sáng 1/10, lực lượng chức năng cho hay đã bắt giữ người phụ nữ tên Dung để điều tra về hành vi giết người. Dung là nghi phạm trong vụ cô gái bị sát hại tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trưa ngày 30/9/2023.Trích xuất camera tại thời điểm xảy ra vụ việc cho thấy, hiện trường có sự xuất hiện của một người đàn ông chưa rõ danh tính. Ban đầu, khi nghi phạm đứng nói chuyện với nạn nhân, người đàn ông đang đi bộ về hướng ngược lại. Lúc nghi phạm đẩy nạn nhân ngã xuống đất, người đàn ông quay lại và nhìn thấy toàn bộ hành vi của nghi phạm, tuy nhiên, người này bỏ đi.” Nhiều bạn có đặt câu hỏi về cho Luật sư của VietLawyer rằng: Liệu người đàn ông chứng kiến và bỏ đi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Trong pháp luật hình sự Việt Nam không chỉ quy định về các loại tội phạm thực hiện hành vi, gây hậu quả mà còn có những loại tội phạm không thực hiện hành vi, nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một trong số đó là “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Luật sư của VietLawyer cho rằng, trong một số trường hợp, việc giúp đỡ người khác không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Tại Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau: 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. ... Mặt khách quan của tội này là hành vi không cứu giúp người khác khi thấy người đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Tội phạm thực hiện bằng hành vi không hành động, người phạm tội biết người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cứu giúp ngay thì hậu quả chết người có thể xảy ra. + Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng nguy hiểm đang diễn ra hết sức khẩn cấp, tự thân nạn nhân không khắc phục được đòi hỏi phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng của nạn nhân. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể do khách quan đưa lại, do chính nạn nhân gây ra hoặc do người phạm tội vô ý gây ra. + Dấu hiệu “thấy” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc người phạm tội ý thức được nạn nhân và tình trạng nguy hiểm của nạn nhân bằng các cách khác nhau như nhìn thấy, nghe thấy hay cảm nhận được tín hiệu về tình trạng nguy hiểm đối với nạn nhân bằng trí thức khoa học, kinh nghiệm bản thân hoặc biết được nguồn đó từ một nguồn khác (nghe người khác nói). + Dấu hiệu bắt buộc liên quan đến hành vi không cứu giúp nạn nhân của chủ thể phải gắn liền với việc người đó có điều kiện cứu giúp nạn nhân. Điều kiện của người cứu giúp được đánh giá qua nhiều cơ sở khác nhau như năng lực chủ quan, điều kiện khách quan cụ thể. Không cứu giúp là trường hợp người phạm tội thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, lờ đi nên nạn nhân bị chết. Hiện nay, sự việc vẫn đang được cơ quan điều tra Thành phố Thủ Đức phối hợp với Cơ quan điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ về động cơ, mục đích g.!ết người của người phụ nữ, cũng như những người có liên quan đến vụ án. Nếu cơ quan điều tra thu thập được các chứng cứ chứng minh việc người đàn ông trong đoạn clip đã nhìn thấy được cảnh nạn nhân đang bị người phụ nữ dùng da.o khống chế, nguy hiểm tới tính mạng mà thờ ơ, bỏ mặc, không báo cơ quan chức năng hay người dân xung quanh để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hay cứu giúp nạn nhân thì người đàn ông đó sẽ đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người chấp hành xong hình phạt tù có phải đi nghĩa vụ quân sự không? Câu hỏi của bạn Trường (Bắc Giang) Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi về cho Luật sư, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, Luật sư trả lời bạn như sau: Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, quy định như sau: Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự 1. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự: a) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích; b) Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; c) Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. 2. Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì trường hợp người đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích thì không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trường hợp người này đã được xóa án tích thì được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Do đó, người chấp hành xong hình phạt tù đã được xóa án tích thì được đăng ký nghĩa vụ quân sự 2024. Người chấp hành xong án phạt tù không thuộc trường hợp tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì phải chấp hành lệnh khám sức khỏe, nếu đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về nghĩa vụ quân sự. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666
"Cho tôi hỏi việc đăng ký khai tử trong trường hợp phạm nhân chết tại trại giam do đơn vị nào chịu trách nhiệm thực hiện?" Câu hỏi của anh Kiên từ Đà Nẵng gửi về cho VietLawyer. Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau: Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết 1. Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. ... Như vậy, theo quy định, khi phạm nhân chết thì trại giam có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Thân nhân của phạm nhân có được đề nghị nhận lại tử thi khi phạm nhân chết hay không? - Chị Hoa đến từ Thanh Hóa có câu hỏi gửi về VietLawyer Chúng tôi xin trả lời như sau:   Căn cứ khoản 3 Điều 56 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau: Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết ... 3. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài thì việc nhận tử thi hoặc hài cốt phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định. Như vậy, theo quy định thì thân nhân của phạm nhân đã chết có quyền đề nghị được nhận lại tử của phạm nhân và tự chịu chi phí. Trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc nhận lại tử thi của phạm nhân đã chết đó có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
"Phạm nhân chết tại trại giam thì có cần ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù hay không?" - Anh Nam đến từ Nam Định có câu hỏi gửi về VietLawyer như sau:   Căn cứ khoản 2 Điều 56 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau: Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết ... 2. Khi cơ quan có thẩm quyền cho phép làm các thủ tục mai táng người chết thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp. Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng. ... Như vậy, theo quy định thì sau khi phạm nhân chết, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Xin chào Luật sư. Tôi là nữ, trước đây tôi đã từng bị Tòa tuyên án phạt cải tạo không giam giữ 24 tháng thời gian thử thách 48 tháng tội trộm cắp tài sản, chấp hành xong vào ngày 02/09/2022. Tôi muốn hỏi Luật sư là hình phạt cải tạo không giam giữ có án tích không, nếu có thì sau bao lâu tôi được xoá án tích? Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer, chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:  1. Cải tạo không giam giữ có án tích không? Căn cứ: Điều 32 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 Cải tạo không giam giữ là một trong những hình phạt chính được quy định tại khoản 1 điều 32 Bộ luật hình sự, vì vậy hình phạt này sẽ có án tích. 2. Chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ thì sau bao lâu được xóa án tích? Căn cứ: Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích 1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. 2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. 3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này. 4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này. Án tích là một trong những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến các quyền của người bị kết án và tác động đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người đó sau khi đã chấp hành xong hình phạt. Trong một số trường hợp, án tích cũng là cơ sở để định tội, xem xét yếu tố tái phạm, tái phạm nguy hiểm, là tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp cụ thể của bạn, nếu bạn không phạm tội mới trong vòng một năm kể từ khi bạn chấp hành xong bản án thì bạn sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích căn cứ tại Điểm a Khoản 2 Điều 70 . Tức là, sau khi chấp hành xong 24 tháng cải tạo không giam giữ và 48 tháng thử thách (đồng thời bạn phải thực hiện xong các nghĩa vụ trong thời gian thử thách), trong vòng 1 năm sau đó nếu bạn không phạm tội mới bạn sẽ được xóa án tích. Sau khi đủ điều kiện xóa án tích bạn H có thể nộp đơn yêu cầu tới Chánh án tòa án xét xử sơ thẩm đề nghị cấp giấy chứng nhận được xóa án tích. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
   Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của con người, quyền công dân cũng như xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của con người được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vậy như thế nào là bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Mức hình phạt cho tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? - VietLawyer sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Thế nào là bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật. Cụ thể như sau: - Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt, khống chế người khác mà không có lệnh của người có thẩm quyền, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc có lệnh bắt người nhưng thực hiện không đúng quy trình, thủ tục. Việc khống chế có thể được thể hiện ở hành vi dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác như: trói, còng tay, bỏ thuốc,... - Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người khác không đúng với quy định của phát luật; giữ người khi không có lệnh của người có thẩm quyền, khiến cho người đó không thể ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội. - Giam người trái pháp luật là hành vi nhốt người khác vào một nơi trong thời gian nhất định khiến cho người bị nhốt cách ly khỏi xã hội, không thể rời khỏi nơi bị nhốt. 2. Dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật - Mặt khách quan: Tội phạm thực hiện hành vi với 3 dạng: bắt, giữ hoặc giam người với bản chất là để cản trở, hạn chế hoặc tước đoạt quyền tự do thân thể của người khác. Chủ thể tội phạm có thể thực hiện tất cả 3 hành vi trên hoặc cũng có thể chỉ thực hiện một hoặc hai trong số đó thì vẫn phạm tội này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 157 BLHS 2015. - Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội này với lỗi cố ý. Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội. - Khách thể: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền tự do thân thể của con người. - Chủ thể: Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Trừ trường hợp chủ thể cố tình làm sai lệch sự đúng đắn của hoạt động tố tụng hoặc thi hành án nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện hành vi nói trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thì không phạm Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà phạm Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 377 BLHS 2015. 3. Mức hình phạt của Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật Người nào phạm tội này bị truy tố theo Điều 157 BLHS 2015, cụ thể như sau: “ Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật 1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Đối với 02 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách; h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát; b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. ” Như vậy, người nào sử dụng hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định pháp luật có thể bị phạt tù lên tới 12 năm và bị cấm đảm nhận chức vụ nhất định đến 05 năm. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Giới trẻ hiện nay thường có hàng động quá khích khi bị lực lượng chức năng bắt vì hành vi sai phạm của mình, một phần là do thiếu kiến thức về pháp luật và xã hội cũng vì một phần do “ngựa non háu đá” nên thường có hành động chống lại lực lượng chức năng và nhiều trường hợp bị coi là Tội chống người thi hành công vụ. Vậy như thế nào là chống người thi hành công vụ? Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào? - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết sau đây. 1. Thế nào là chống người thi hành công vụ? Chống người thi hành công vụ là Hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của mình bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi cưỡng ép người đó thực hiện hành vi trái pháp luật. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013, hành vi chống người công vụ được hiệu như sau:  “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.”  Như vậy có thể hiểu hành vi bị xem là chống người thi hành công vụ trước hết hành vi đó phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực như đánh, trói,... hoặc hành vi đó phải dùng thủ đoạn khác ( lăng mạ, bôi nhọ, vu khống,...) cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật như cưỡng ép cán bộ kiểm lâm cho chở gỗ khai khác trái phép, chống cảnh sát hình sự khi thi hành nhiệm vụ,... 2. Dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ Không phải hành vi nào phản ứng lại người thi hành công vụ cũng đều bị xem là Tội chống người thi hành công vụ. Vậy nên, theo khoa học hình sự để được coi là tội phạm chống người thi hành công vụ cần đáp ứng đủ các dấu hiệu sau: - Về khách thể: Hành vi chống người thi hành công vụ xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định (cán bộ thuế, cảnh sát giao thông,...) và người đang thi hành công vụ phải là người thi hành công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. - Mặt chủ quan: Đây là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang có hành vi cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng nếu có gây thương tích hoặc chết người. - Khách quan: Người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Người phạm tội có một trong các hành vi trên để ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật thì việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không, không có ý nghĩa định tội. + Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ ( đấm, đá, đâm, chém,..) + Đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ...Sự đe dọa là thực tế có cơ sở để người bị đe dọa tin rằng lời đe dọa đó sẽ biến thành hiện thực. + Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ. + Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe dọa sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ. - Chủ thể: Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. 3. Tội chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào? Trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ được quy định cụ thể trong Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định như sau: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm.” Ngoài ra nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính người chống thi hành công vụ như sau: “ 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. 2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. 3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.” Hành vi chống người thi hành công vụ xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ và ngày càng có chiều hướng phức tạp. Nhẹ là chửi bới, lăng mạ, nguy hiểm hơn là dùng vũ khí, hung khí, thâm chí là điều khiển phương tiện đâm thẳng vào người thi hành công vụ. Để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ đồng thời bảo vệ các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp làm vi phạm để răn đe, các ngành chức năng cần nghiên cứu, ban hành quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông... Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
    Buôn lậu là hành vi phạm tội khá phổ biến hiện nay. Do nước ta cấm tiêu thụ và đánh thuế khá cao cho một số mặt hàng hạn chế tiêu thụ như thuốc lá, rượu bia,... nên một số cá nhân vì lợi nhuận mà sẵn sàng buôn bán hàng hóa xuyên quốc gia tránh sự kiểm soát của hải quan và bộ đội biên phòng nhằm mục đích trốn thuế, thu lợi bất chính,... Vậy như thể nào bị coi là buôn lậu? Tội buôn lậu bị xử phạt như thế nào? - VietLawyer sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Buôn lậu là gì?     Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.     Việc buôn bán trái pháp luật trên thể hiện thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, dấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính. 2. Mức phạt tội buôn lậu theo Bộ luật Hình sự Mức phạt tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: 1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; h) Phạm tội 02 lần trở lên; i) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.     Trường hợp người được thuê vận chuyển (khuân vác, lái xe) có hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, …qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại cũng được coi là phạm tội buôn lậu với vai trò người giúp sức hoặc đồng phạm. Tùy thuộc vào loại hàng hóa được buôn lậu mà pháp luật áp dụng hình phạt cụ thể theo các thông tư và nghị định liên quan.     Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn là vô cùng cấp thiết đối với sinh viên và người đi làm xa quê. Chính vì lẽ đó, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng nhu cầu tìm nhà thuê để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người thuê nhà. Chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp. Vậy Lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc của khách thuê nhờ "phòng trọ ảo" có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? - Vietlawyer sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn qua bài viết dưới đây: 1. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản của mình thông qua thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người quản lý tài sản tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động … 2. Thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách cho thuê nhờ "phòng thuê ảo" Các cá nhân hoặc hội nhóm cần tiền tiêu sài đã nghĩ ra những chiêu trò lừa đảo. Cụ thể, nhóm đối tượng này sẽ đăng lên các mạng xã hội như facebook tại các trang, hội nhóm tìm nhà trọ, cho thuê phòng,....với thông tin giá rẻ, hấp dẫn để "câu" khách.  Khi người thuê liên hệ thì được bên cho thuê gửi thông tin và ảnh phòng trọ. Thấy phòng trọ mới, rộng rãi, giá rẻ nên nhiều người vội vàng đồng ý thuê phòng ngay khi mới trao đổi qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội mà chưa đến tận nơi xem phòng. Sau đó, người thuê phòng được yêu cầu đặt cọc với nhiều lý do khác nhau. Khi nhận được tiền cọc, họ chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền cọc.  3. Quy định pháp luật xử lý về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản  Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với số tiền lừa cọc của các đối tượng giao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp người thuê ký kết và đưa tiền cho những đối tượng lừa cọc mà người đó không phải chính chủ thì khi có xảy ra tranh chấp, giao dịch đó bị tuyên vô hiệu. Nếu không thể tự thỏa thuận, chính quyền địa phương không giải quyết được thì người bị lừa cọc có thể khởi kiện tại tòa. Còn đối với trường hợp người cho thuê cố tình làm giả giấy tờ để người thuê tin họ là chủ nhà và ký kết hợp đồng thuê nhà, đưa tiền cọc, tiền nhà thì khi phát hiện, người thuê có thể trình báo với cơ quan công an để khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Như vậy, trước khi quyết định thuê nhà, người thuê cần tìm hiểu rõ thông tin về người cho thuê và thông tin chính xác về phòng được cho thuê để tránh xảy ra trường hợp mất cọc, mất tiền thuê nhà. Trong trường hợp bị lừa tiền cọc, người dân cần đến cơ quan công an nơi có địa chỉ nhà cho thuê để trình báo sự việc để được giải quyết kịp thời.  Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Dẫn độ tội phạm là quy chế được hình thành cùng luật quốc tế và là một bộ phận của luật hình sự quốc tế. Khi nhu cầu trao đổi tội phạm giữa các quốc gia thông qua một thỏa ước quốc tế thì quy chế này được ra đời. Ở một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời cổ đại đã xuất hiện quy chế này khi người nước ngoài phạm tội chống lại công dân nước ngoài ở quốc gia sở tại, nơi người phạm tội cư trú. Giữa các quốc gia đã có nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ người phạm tội để xử lý theo pháp luật quốc gia mỗi nước nhằm thực hiện các mục đích chính trị hoặc mục đích bảo vệ an toàn, trật tự xã hội, trật tự pháp luật. Vậy dẫn độ tội phạm và các nguyên tắc dẫn độ tội phạm là gì? - Vietlawyer sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn qua bài viết dưới đây: 1) Khái niệm về dẫn độ tội phạm Trong khoa học pháp lý, có rất nhiều khái niệm về dẫn độ tội phạm (extradition) được đưa ra dựa trên các tiêu chí và cách tiếp cận khác nhau.  Theo Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) đã khái quát:“Dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia (quốc gia được yêu cầu) trao trả một cá nhân đang hiện diện trong lãnh thổ quốc gia mình cho quốc gia khác (quốc gia yêu cầu) để xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với hành vi phạm tội của cá nhân này trên lãnh thổ của quốc gia yêu cầu”.  Hoặc Hiệp định dẫn độ giữa Hoa Kỳ và Argentina ngày 26 tháng 9 năm 1896 nêu rõ: “dẫn độ là việc một bên ký kết chuyển giao cho bên ký kết kia người bị buộc tội hoặc người phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của mình, nếu người đó đã bị buộc tội hoặc đã thực hiện các tội phạm được quy định trong Hiệp định dẫn độ giữa hai nước”. Còn theo Marjorie Whiteman, một chuyên gia về luật hình sự quốc tế của Mỹ thì: dẫn độ là “quá trình mà theo đó người mà bị kết tội hoặc bị kết án tù về hành vi phạm tội trái với pháp luật của một quốc gia và được tìm thấy ở một quốc gia khác sẽ được đưa trở về quốc gia ban đầu để xét xử hoặc tuyên án”. Theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, dẫn độ được hiểu là “việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc ngoài bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”. Khái niệm này được đánh giá là sự kế thừa khái niệm dẫn độ được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998.  Như vậy, các định nghĩa trên đều đề cập tới chủ thể của hoạt động dẫn độ (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu), đối tượng bị dẫn độ (cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu) và mục đích của hoạt động này là nhằm xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân đó. Tuy nhiên, không phải khái niệm dẫn độ tội phạm cũng cần đề cập tới cơ sở pháp lý để các quốc gia thực hiện hoạt động hợp tác này, đó là các điều ước quốc tế song phương và đa phương ghi nhận quyền và nghĩa vụ dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia. Định nghĩa đầy đủ về dẫn độ tội phạm cần nêu rõ chủ thể của hoạt động dẫn độ, đối tượng bị dẫn độ, mục đích của dẫn độ và cơ sở pháp lý của việc dẫn độ. Do đó, chúng ta có thể hiểu dẫn độ tội phạm như sau: dẫn độ là một quá trình mà một nước (nước được yêu cầu) chuyển giao người người phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của mình cho nước khác (nước yêu cầu) để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó theo các nguyên tắc, thủ tục được quy định trong điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia.  2) Các nguyên tắc về dẫn độ tội phạm  Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia  Nguyên tắc này là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế cũng như hoạt động dẫn độ tội phạm vì chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm thể hiện qua quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi một quốc gia nhận được một yêu cầu dẫn độ tội phạm, quốc gia này có quyền từ chối hay chấp nhận tùy vào pháp luật dẫn độ của nước mình hay các điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hoặc tham gia. Quốc gia yêu cầu chỉ được tiếp nhận đối tượng sau khi quốc gia được yêu cầu thực hiện xong các hoạt động liên quan đến dẫn độ.  Nguyên tắc có đi có lại  Theo nguyên tắc này, nước được yêu cầu dẫn độ sẽ chấp nhận dẫn độ với sự đảm bảo rằng nước có yêu cầu giúp đỡ cũng sẽ chấp nhận và thực hiện một yêu cầu như vậy của nước được yêu cầu trong tương lai. Qua đó, sự tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền giữa các quốc gia được thể hiện rất rõ. Tuy vậy nguyên tắc này không đề cập tới sự trao đổi ngang bằng và ngay lập tức, mà tùy từng trường hợp để quyết định có thực hiện yêu cầu hợp tác của bên đối tác hay không. Chính vì vậy, nguyên tắc này rất cần thiết để đảm bảo việc dẫn độ tội phạm có hiệu quả. Nguyên tắc định tội danh kép Việc dẫn độ chỉ có thể được tiến hành đối với người có hành vi được coi là tội phạm và có thể bị trừng phạt theo pháp luật của cả bên được yêu cầu và bên yêu cầu. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối dẫn độ. Nguyên tắc này còn đòi hỏi người thực hiện hành vi phạm tội cũng phải bị trừng phạt và sẽ bị trừng phạt theo pháp luật của cả hai nước. Hệ quả tất yếu của nguyên tắc này là các nước có quyền từ chối dẫn độ nếu người thực hiện hành vi phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có bản án có hiệu lực, hoặc đang trong quá trình tố tụng hình sự đối vì cùng một hành vi phạm tội.  Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình Nguyên tắc này đã đươc ghi nhận trong hiệp định của Hội đồng châu âu 1957 về dẫn độ tội phạm, trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia, trong hiến pháp và luật quốc tịch của các nước trên thế giới. Nguyên tắc này được đánh giá là quan trọng đầu tiên của dẫn độ được nhiều nước (đặc biệt là các nước theo truyền thống pháp luật Civil – law). Vì nguyên tắc này khẳng định nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế được thừa nhận trong pháp luật quốc tế hiện đại. Đồng thời,nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi nhất định về mặt tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án,việc truy tố, xét xử và thi hành án sẽ được thực hiện tốt ở quốc gia mà người phạm tội là công dân vì dễ dàng cho việc thu thập chứng cứ và các thông tin về cá nhân người phạm tội. Tuy không dẫn độ công dân của mình, nhưng phải bảo đảm người phạm tội phải bị xử lý nên khi nước được yêu cầu, không dẫn độ công dân của mình thì nước này phải quy định các biện pháp cụ thể để xử lý người phạm tội. Đối với người bị yêu cầu dẫn độ là người chưa bị xét xử thì nước được yêu cầu có thể áp dụng nguyên tắc được thừa nhận chung trong luật pháp quốc tế: aut tradere, aut judicare (nguyên tắc Grotius). Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội về chính trị  Công ước Châu Âu về dẫn độ đã quy định rằng, việc dẫn độ có thể bị từ chối nếu nước được yêu cầu có lý do thực tế để tin rằng yêu cầu dẫn độ đối với người thực hiện hành vi phạm tội thông thường nhằm mục đích truy tố hay trừng phạt người đó vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc vì vị thế của anh ta mà gán ghép cho một trong những lý do trên. Trên thực tế, động cơ chính trị theo quan điểm của nước được yêu cầu tạo nên rào cản rất lớn trong việc dẫn độ. Do chưa có một khái niệm chính xác về các tội phạm chính trị, nên trong các công ước quốc tế người ta đã dùng biện pháp liệt kê những tội phạm không thể bị coi là tội phạm chính trị. Nguyên tắc này cũng có trường hợp ngoại lệ là: thủ phạm giết hại nguyên thủ quốc gia, người đứng đàu chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo cao cấp khác của quốc gia không được hưởng quyền không bị dẫn độ sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Dưới sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển chung thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các nguy cơ về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt là các hành vi sử dụng các phương tiện điện tử, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hiện nay, loại tội phạm này đang gia tăng khá nhanh cả về quy mô, số lượng và hậu quả. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản -  Vietlawyer sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn qua bài viết dưới đây: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm  tại chương XVI về tội phạm. 1.  Dấu hiệu pháp lý 1.1. Khách thể Về phương diện quyền và các quan hệ xã hội cần bảo vệ. Việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng, và quyền sở hữu tài sản của cơ quan, cá nhân, tổ chức. Quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền sở hữu nhằm xác định mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. 1.2. Mặt khách quan Hành vi khách quan của tội phạm: người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử như một công cụ để thực hiện một trong các hành vi sau: - Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ, chủ tài khoản hoặc thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa. Hành vi này được thực hiện thông qua các thủ đoạn như trộm cắp, lừa đảo để có được thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của người khác, rồi dùng chính những thông tin đó để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản. Ví dụ: kẻ phạm tội gửi email giả mạo hoặc cài phần mềm gián điệp …để có được thông tin, mật khẩu và sử dụng thông tin có được để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ. - Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.  Làm thẻ ngân hàng giả là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất giống như thẻ ngân hàng (trong đó chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành). Thủ đoạn phạm tội trong trường hợp này thường là người phạm tội mua thẻ nhựa trắng, mua hoặc đánh cắp thông tin thẻ, mật mã giao dịch. Sau đó dùng máy ghi thẻ để sản xuất thẻ giả, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hoặc người phạm tội dùng thẻ ngân hàng của nước ngoài đã hết hạn sử dụng vào nước khác để rút tiền… - Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc các phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản (trực tiếp) của chủ thẻ đó. - Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản. Kẻ phạm tội đưa ra các thông tin gian dối trong các lĩnh vực trên nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm họ tưởng thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.  - Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội thực hiện thiết lập, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nhưng không được phép hoặc không đúng giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chiếm đoạt tài sản. Các hành vi trên chỉ cấu thành tội này khi không thuộc trường hợp tội trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 173 và Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội phạm này có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội có một trong các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên xảy ra, không kể là đã chiếm được hay chưa. Do đó, hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.  1.3. Chủ thể Khoản 1,2 Điều 290 quy đinh về tội phạm nghiêm trọng, còn Khoản 3,4 Điều này quy định về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy chủ thể của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại Khoản 1,2 Điều 290 là người từ đủ 16 tuổi trở lên còn tội phạm tại Khoản 3,4 Điều này là người từ đủ 14 tuổi trở lên. 1.4. Mặt chủ quan Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả của tội phạm nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. 2. Quy định về hình phạt Điều 290 quy định 4 khung hình phạt, gồm: – Khung 1: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; – Khung 2: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; áp dụng đối với các trường hợp có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến 200 thẻ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đến dưới 200.000.000đ ồng; gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm. – Khung 3: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, áp dụng đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ. – Khung 4: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, áp dụng đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; số lượng thẻ giả từ 500 thẻ trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer, với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ hoặc Hotline: 0927.625.666 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
 
hotline 0927625666