TRẢ LỜI: LĨNH VỰC HÀNH CHÍNH

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Khiếu nại phát sinh khi quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm phạm, người khiếu nại yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm. Tuy nhiên, hiện nay không phải ai cũng nắm rõ khiếu nại là gì? Trình tự thủ tục khiếu như thế nào? Công ty Luật VietLawyer chia sẻ với bạn đọc bài viết dưới đây: 1. Khiếu nại là gì? Theo khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 quy định về khiếu nại như sau: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó: - Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. - Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. - Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 2. Ai có quyền khiếu nại? Khoản 2 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 quy định như sau: “2. Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.” Như vậy, người có quyền khiếu nại bao gồm công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức. 3. Có các hình thức khiếu nại nào? Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. - Trường hợp khiếu nại bằng đơn: + Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; + Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; + Nội dung, lý do khiếu nại; + Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại; + Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ. - Trường hợp đến khiếu nại trực tiếp: Người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. 4. Quy trình, thủ tục khiếu nại thực hiện ra sao? Căn cứ theo các quy định tại Luật Khiếu nại, thủ tục khiếu nại được thực hiện theo các bước sau: Bước 1: Người khiếu nại đến trực tiếp khiếu nại hoặc nộp đơn khiếu nại; Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại; Bước 3: Xác minh nội dung trong đơn khiếu nại; Bước 4: Thông báo giải quyết khiếu nại và tổ chức đối thoại; Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về khiếu nại. Nếu còn  vấn đề thắc mắc cần được giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời. ==================================================================================
 
hotline 0927625666