TRẢ LỜI: LUẬT DÂN SỰ

Giấy ủy quyền có phải bắt buộc chứng thực chữ ký? 1. Chứng thực chữ ký là gì? Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản 2. Các loại chứng thực hiện hành Căn cứ khoản 2,3,4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định các loại chứng thực sau: -“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. -“Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. -“Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. 3. Giá trị pháp lý của chứng thực  - Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. - Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản. - Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Như vậy, việc chứng thực chữ ký trước hết là nhu cầu của người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự, trong đó các văn bản, giấy tờ cần chứng thực chữ ký thông thường do người dân tự lập nên như Di chúc, Đơn đề nghị xác nhận, Giấy lĩnh tiền, văn bản thỏa thuận…). Do đó, pháp luật về chứng thực hiện hành không quy định cụ thể các giấy tờ bắt buộc phải chứng thực chữ ký và các giấy tờ không bắt buộc phải chứng thực chữ ký. 4.Trường hợp nào được chứng thực Giấy ủy quyền?  Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số: 01/2020/TT-BTP  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị Định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện sau: - Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. - Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội. 5. Chứng thực Giấy ủy quyền ở đâu?  Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã), Phòng Tư pháp, Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền. Đối với trường hợp chứng thực Giấy ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và liên quan tới việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất có thể do UBND cấp xã hoặc Phòng Tư pháp thực hiện.  Trên đây là chia sẻ của Công ty luật VietLawyer về thủ tục làm giấy uỷ quyền. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666