LUẬT SƯ TRẢ LỜI

Nhặt được của rơi, không trả lại người mất có bị xử phạt? Trên thực tế rất nhiều trường hợp người đi đường nhặt được tài sản có giá trị rơi trên đường hoặc bị bỏ quên ở một nơi nào đó. Vậy trường hợp nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, bỏ quên, người nhặt được nên xử lý như thế nào? Nếu không trả lại tài sản cho người làm mất có bị xử phạt không - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Nhặt được tài sản của người khác nên xử lý thế nào? Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi thì người nhặt được phải xử lý như sau: 1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Như vậy, khi bạn nhặt được của rơi bạn có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp đến ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Nếu bạn nhặt được của rơi mà không trả lại sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 2. Không trả lại người bị mất tài sản có bị xử phạt không? Theo quy định thì người nhặt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, theo yêu cầu của những người này. Trường hợp các chủ thể trên có yêu cầu trả lại tài sản nhưng người nhặt được không trả lại tài sản nhặt được thì tùy vào giá trị tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định. 2.1. Xử phạt hành chính Căn cứ theo quy định Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với trường hợp nhặt được của rơi không trả lại như sau: 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này; b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản; c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác; d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có; đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác; e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, theo quy định trường hợp nhặt được của rơi không trả lại có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. 2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự  Căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản trong trường hợp nhặt được của rơi không trả lại như sau: 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp nhặt được của rơi tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; trường hợp tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 3. Nhặt được tài sản bao lâu thì được xác lập quyền sở hữu? Theo quy định tại Khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: 2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau: a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước; b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. Như vậy, sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì tùy thuộc vào giá trị tài sản bạn sẽ được hưởng một phần giá trị như sau: -  Tài sản có giá trị ≤ 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được sở hữu tài sản đánh rơi, bỏ quên. -  Tài sản có giá trị > 10 lần mức lương cơ sở: Người nhặt được hưởng 10 lần mức lương cơ sở và 50% phần giá trị vượt quá; 50% còn lại của phần vượt quá sẽ thuộc về Nhà nước. -  Tài sản là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa: Tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Dùng mạng xã hội để Báo chốt Cảnh sát giao thông khi đang thi hành nhiệm vụ bị xử phạt như thế nào? Hiện nay giới trẻ có rất nhiều hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo,... để chia sẻ thông tin địa điểm, hoạt động tuần tra, tuyến đường hoạt động của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nhiều trường hợp đã bị công an xử phạt vậy hành vi này bị xử phạt theo tội gì và mức phạt là bao nhiêu - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Hành vi dùng mạng xã hội để báo chốt cảnh sát giao thông bị xử phạt thế nào? Căn cứ Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin ... 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: ... e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Căn cứ tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức: 3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, hành vi sử dụng mạng xã hội báo chốt cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ được xem là hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. 2. Về thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt của hành vi dùng mạng xã hội để báo chốt cảnh sát giao thông Căn cứ Điểm b Khoản 4 Điều 116 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định Thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân: 4. Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền: ... b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 16.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử; Như vậy, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin địa điểm, hoạt động tuần tra, tuyến đường hoạt động của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thì thẩm quyền ban hành xử phạt sẽ thuộc thẩm quyền của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Đưa hối lộ và nhận hối lộ là hành vi phổ biến từ trước đến nay và vô cùng khó để triệt tiêu hành vi này. Nhiều người còn cho rằng hành vi đó là điều đương nhiên và rất bình thường vì có cung thì có cầu, người ta cảm ơn vì công sức mình bỏ ra nên việc mình nhận quà là điều đương nhiên. Vậy những hành vi này có bị coi là đưa hối lộ và nhận hối lộ - VietLawyer xin giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Đưa hối lộ là gì? Đưa hối lộ là hành vi, đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi đưa hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo đó, người đưa hối lộ có thể yêu cầu người nhận hối lộ làm một công việc cụ thể hoặc không làm để mang lại lợi ích cho mình. Hành vi đưa hối lộ có thể được thựuc hiện trực tiếp hoặc qua trung gian; tài sản, lợi ích hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ quyền hạn hoặc người khác, tổ chức khác theo ý chí của người có chức vụ, quyền hạn. 2. Mức hình phạt tội đưa hối lộ Khung hình phạt cho Tội đưa hối lộ được quy định trong Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: “1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; b) Lợi ích phi vật chất. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. 4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. 6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này. 7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.” Như vậy, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này có thể sẽ bị khép vào tội đưa hối lộ và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật. 3. Nhận hối lộ là gì? Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kì lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc yêu cầu của người hối lộ. 4. Mức hình phạt tội nhận hối lộ - Truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì hành vi nhận hối lộ bị xử phạt như sau: “ 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.” - Xử phạt hành chính: Trong một số trường hợp mà người nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 như sau: + Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký và quản lí cư trú: + Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc đưa tiền, tài sản, lợi ích cho người thi hành công vụ: - Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng nhưng chữ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng hình thứ kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, Khoản 5 Điều 16, Khoản 2 Điều 30, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/09/2020 như sau: + Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức. + Đối với trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Tội làm nhục người khác bị xử lý như thế nào? Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để làm công cụ thực hiện hành vi làm nhục người khác như phát trực tiếp các vụ đánh ghen, bắt nạt,... Những cá nhân có hành vi trên có thể sẽ bị truy cứu về tội làm nhục người khác. Khi nào bị coi là làm nhục người khác? - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Khi nào bị coi là làm nhục người khác? Hành vi làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới nhiều hình thức khác nhau: - Qua lời nói: Bằng những lời nói sỉ nhục, chửi rủa, lăng mạ người khác với mục đích hạ thấp nhân cách, danh dự của họ, khiến mọi người cảm thấy xấu hổ và nhục nhã, danh dự bị xác phạm. - Qua hành động: Bằng những hành vi (có hoặc không kèm lời nói) như lột đồ, cạo đầu, cắt tóc,.. giữa đám đông, ở nơi công cộng với mục đích nhằm bêu rếu, làm nhục nạn nhân hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng bài viết, đăng ảnh bôi nhọ, vu khống người khác.  Theo đó, ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn nạn nhân phải chịu nhục với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù, để đánh ghen,... Nạn nhân trong trường hợp này phải là người bị xâm phạm nghiêm trong đến nhân phẩm, danh dự, uy tín. 2. Cấu thành tội làm nhục người khác - Mặt khách quan: Tội làm nhục người khác được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.  Chẳng hạn thể hiện bằng lời nói như: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu,...  Thể hiện qua hành động như: lột truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, mắm tôm, trứng thối vào người khác,... Lưu ý: Người phạm tội làm nhục người khác chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự. - Khách thể: Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân nhân về được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Khách thể của tội làm nhục người khác chính là danh dự, nhân phẩm của người khác. - Mặt chủ quan: Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác. Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác. - Chủ thể: Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Đối với tội làm nhục người khác, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi làm nhục người khác và có khả năng điều khiển hành vi này. 3. Quy định về tội làm nhục người khác Khi đáp ứng được đầy đủ các yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác, người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự. Người có hành vi làm nhục người khác sẽ bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: “1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Như vậy, hành vi làm nhục người khác dù ở ngoài thực tế hay trên mạng xã hội thì tùy theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự. Mức phạt hành chính đối với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 như sau: “Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a. Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; ...” Trường hợp bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố hình sự thì vụ án sẽ được đình chỉ giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017). Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Tội bức tử và tội hành hạ người khác đều là các tội danh có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến quyền được bảo hộ sức khỏe, thân thể, danh dự của người khác. Vậy làm thế nào để phân biệt giữa tội bức tử và tội hành hạ người khác - VietLawyer xin giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết sau đây. 1. Quy định pháp luật hiện hành Hành vi bức tử và hành vi hành hạ người khác đều là hành vi đối xử tàn ác, ức hiếp như thường xuyên đánh đập người lệ thuộc vào mình và lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Cả hai tội danh này đều được thực hiện bằng hình thức lỗi cố ý, vì vậy có nhiều điểm giống nhau nên khi hành vi được xác lập đôi khi sẽ khiến ta nhầm lẫn giữa hai tội danh này. “Điều 130. Tội bức tử 1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Đối với 02 người trở lên; b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.” ... “Điều 140. Tội hành hạ người khác 1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; c) Đối với 02 người trở lên.” 2. Phân biệt tội bức tử và tội hành hạ người khác - Tội bức tử: + Nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân tự sát là do hành vi của người phạm tội đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người đó. + Hành vi khách quan của tội bức tử phải dẫn đến hậu quả là người bị hại tự sát, tức là nạn nhân có thể bằng nhiều phương pháp khác nhau, đã tự mình thực hiện việc tước đoạt tính mạng của chính mình như: thắt cổ, uống thuốc độc, nhảy cầu, tự đâm vào bụng hay bắn vào đầu,... + Hành vi tự sát phải do chính nạn nhân thực hiện, trường hợp nạn nhân muốn chết nhưng lại không tự mình thực hiện hành vi mà nhờ người khác giúp đỡ thì không cấu thành tội phạm này. + Hành vi tự sát không nhất thiết phải có hậu quả chết người. + Nạn nhân của tội bức tử là những người lệ thuộc vào người phạm tội. - Tội hành hạ người khác: + Không dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát + Nạn nhân của tội làm nhục người khác là người lệ thuộc vào người phạm tội nhưng ngoài ông bà cha mẹ con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng người phạm tội. Như vậy, dựa vào hành vi phạm tội và căn cứ vào hậu quả xảy ra có thể phân biệt hai tội danh này. Nếu hậu quả dẫn đến việc người lệ thuộc tự sát thì cấu thành tội bức tử. Ngoài ra, trường hợp nạn nhân muốn chết nhưng lại không tự mình thực hiện hành vi mà nhờ người khác giúp thì không cấu thành tội bức tử. Trường hợp có hành vi đổi xử người lệ thuộc vào mình là ông bà cha mẹ vợ chồng con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mà nạn nhân không tự sát thì cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Giả danh công an, quân đội bị xử lý như thế nào? Hiện nay tình trạng giả danh công an, quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi hơn trước. Ngoài để chiếm đoạt tài sản, gười thực hiện hành vi giả danh công an, quân đội còn để thực hiện hành vi tư lợi khác như ra oai với hàng xóm láng giềng, tán tỉnh dụ dỗ, lừa tình người khác,... Như vậy, làm thế nào để phát hiện công an, quân đội giả? Hành vi giả danh công an, quân đội bị xử lý ra sao? - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Thủ đoạn, hành vi của người giả danh lực lượng công an, quân đội. - Các đối tượng có thể sử dụng phần mềm hoặc thiết bị chuyển số để giả mạo các số điện thoại của lực lượng Công an và tự xưng là cán bộ điều tra của Công an đang điều tra các vụ án có liên quan đến nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo. Khi người dân kiểm tra số điện thoại, thấy đúng nên bị nhầm lẫn, ngoài ra quá trình gọi các đối tượng còn giả âm thanh, giọng nói, tiếng bộ đàm, tiếng còi hú để nạn nhân nhầm lẫn. - Các đối tượng cũng có thể sử dụng tài khoản zalo giả mạo, có tên liên quan đến lực lượng Công an như “ Vì dân phục vụ” nhắn tin thông báo cho nạn nhân các thông báo liên quan đến những vụ án đang điều tra và gửi kèm đường link giả mạo tới tài khoản zalo của nạn nhân, Do chủ quan nên các nạn nhân truy cập vào link giả, đăng nhập, nhập số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sau đó sẽ hiển thị hình ảnh lệnh bắt tạm giam giả có tên nạn nhân. Các đối tượng sẽ dựa vào đó mà đe dọa rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra. - Các đối tượng giả danh còn yêu cầu nạn nhân không được kể cho người khác nếu không sẽ bị lộ bí mật điều tra, có thể bị bắt ngay. Sau khi đánh vào tâm lý nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra. - Các đối tượng thường đóng giả công an giao thông hoặc công an khu vực vào nhà dân, chặn đầu phương tiện giao thông yêu cầu kiểm tra giấy tờ và lập biên bản một cách vô lý nhằm chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, có tổ chức, có sự chuẩn bị. Các nạn nhân khi bị gọi dồn dập sẽ mang tâm lý lo sợ nên không tránh khỏi việc chuyển tiền để “xử lý” cho các cán bộ công an giả này. 2. Giả danh công an, quân đội phạm tội gì? Đối tượng giả danh công an sẽ có hành vi như giả mạo cấp bậc hoặc giả mạo chức vụ và việc này được thực hiện dưới mọi hình thưc như mặc trang phục của công an, đeo phù hiệu hay những lời nói, viết tự xưng là công an,...Người có hành vi giả danh công an có thể bị truy tố theo các tội danh sau: Căn cứ Khoản 3 Điều 4 Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định nghiêm cấm cá nhân tổ chức sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân.  “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.” Ngoài ra, Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội không nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau: “Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.” 3. Hành vi giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị xử lí như thế nào? Tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt mà người thực hiện hành vi giả danh công an, quân đội để chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự như sau: - Xử phạt hành chính: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 20; Điểm c Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy thuộc mức độ vi phạm mà người giả danh lực lượng công an, quân đội có thể bị xử phạt với các mức phạt sau đây: + Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân. + Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. + Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn khác hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản. - Truy tố hình sự: + Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội không nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể như sau: “ Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.” + Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cụ thể như sau: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”    Như vậy, Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.    Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
 
hotline 0927625666