PHÁP LUẬT HÔM NAY

Người sản xuất, kinh doanh, sử dụng "bóng cười" sẽ bị xử phạt như thế nào? -  Hiện nay, chúng ta rất dễ bắt gặp hiện tượng sử dụng bóng cười của người dân nói chung và nhất là thế hệ trẻ nói riêng tại Việt Nam trong các quán bar, club, quán cafe, karaoke hay thậm chí tại những khu vực vỉa hè, đường phố một cách tràn lan gây nên nhiều bức xúc. Không ít người có thắc mắc tại sao một chất gây nghiện núp bóng trò chơi như vậy lại có thể ngang nhiên hiện diện khắp mọi nơi? Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, công ty VietLawyer xin cung cấp một số thông tin để giải đáp những vấn đề xoay quanh vấn nạn "Bóng cười" 1. "Bóng cười" và tác hại kinh hoàng đối với sức khỏe Bóng cười có hình dạng với đúng tên gọi của nó là một quả bóng có màu hoặc không có màu, phổ biến nhất là bóng trong suốt hoặc bóng trắng. Nó thực chất chỉ là một quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinito monoxit hay nitrous oxide). Loại khí hóa học này khi hít phải có khả năng tác động mạnh đến một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khóa cho người sử dụng. Do vậy nó có tên gọi phổ thông là “Bóng cười” Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì khí N2O hoàn toàn an toàn với người lớn và trẻ nhỏ nếu sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Loại khí này thường được sử dụng trong phẫu thuật và nha khoa với tác dụng giảm đau hoặc được sử dụng với các khí khác để làm thuốc gây mê, thuốc an thần, tạo độ lạnh trong dụng cụ phẫu thuật. Bên cạnh đó khí N2O còn được ứng dụng trong việc sản xuất chất dẫn bán, giám sát chất thải, dùng trong thí nghiệm phân tích, tăng năng suất động cơ xe và thậm chí là ứng dụng để làm kem tươi. Mặt khác khí N2O đã được chứng minh hiệu quả khi áp dụng trong một số biện pháp cai nghiên rượu. Phương pháp điều trị trạng thái cai rượu nhẹ đến trung bình dùng khí N2O đã được áp dụng thành công trong 10 năm trên 07 nghìn trường hợp thử nghiệm.  Tuy nhiên, khí N2O chỉ có những tác dụng tốt nêu trên nếu như được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, theo đúng yêu cầu, định lượng quy định. Việc sử dụng một cách vô tổ chức, tràn lan và lâu dài loại chất khí này sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn, để lại những hậu quả hết sức nguy hiểm. Giới trẻ hiện nay đa phần sử dụng khí này vào để làm giảm stress, giải trí, tìm đến khoái cảm thông qua một quả bóng được bơm khí N2O quá liều. Việc sử dụng bóng cười sẽ tao cho người dùng cảm giác hưng phấn, vui vẻ nhưng nếu sử dụng một cách thường xuyên thì người dùng sẽ có biểu hiện bị châm chích ở đầu các chi, đi đứng loạng choạng, các rối loạn về khí sắc, rối loạn về trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, sinh hoạt, đặc biệt là rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp là trường hợp hết sức nguy hiểm. Bên cạnh đó cũng gây thiếu máu, thiếu B12… và việc sử dụng quá nhiều, với liều lượng vượt quá mức cho phép trong một thời gian dài thì sẽ gây nên các bệnh lý về mắt như gây kích ứng mắt, mũi, họng, gây khó thở, thở khò khè, gây tức ngực, nghẹt thở, sẽ xuất hiện những cơn co giật, nhịp tim nhanh, môi và chân tay tái xanh, đột quỵ và thậm chí dẫn đến tử vong nếu như sử dụng cùng lúc với ma túy, chất hướng thần.  Như vậy có thể thấy tác dụng hai mặt của loại khí này sẽ phụ thuộc vào liều dùng của người sử dụng. Nếu biết tiết chế, sử dụng một cách an toàn, có khoa học thì đó là một chất có ích trong công nghệ khoa học, ứng dụng thực tiễn. Nhưng một khi sử dụng một cách tràn lan, vô tổ chức thì nó gây hại trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của người sử dụng, tính mạng và đặc biệt là hiện tượng ảo giác, rối loạn tâm thần dễ thấy nhất ở người sử dụng bóng cười, đây là nguyên nhân của bao nhiêu trường hợp tai nạn giao thông, con cái giết cha mẹ,… ảnh hưởng không nhỏ đến những người vô tội. 2. "Bóng cười" không bị cấm sử dụng  Với những tác hại khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người như đã phân tích ở trên. Nhưng hành vi sử dụng bóng cười này lại không bị pháp luật cấm, cũng như không bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự cho dù sử dụng quá liều hay không sử dụng quá liều bởi "Bóng cười" không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Như vậy tóm lại thì việc sử dụng bóng cười không bị pháp luật Việt Nam cấm sử dụng bóng cười nhưng lại nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép khí N2O trong công nghiệp. Việc sử dụng bóng cười thường xuyên để lại rất nhiều hệ lụy cho chính bản thân người sử dụng và xã hội. Vì vậy mặc dù không bị xử phạt, không bị cấm dùng bóng cười nhưng người dân cũng nên hạn chế sử dụng loại kích thích ảo giác này. Nếu như việc sử dụng bóng cười mà khiến người sử dụng bị ảo giác, kích động mạnh, gây ra những tội ác như giết người, đánh người, gây tai nạn giao thông… thì vẫn sẽ bị xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự với từng loại tội tương ứng.  3. Người sản xuất, kinh doanh "Bóng cười" sẽ bị xử phạt như thế nào?   Hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh bóng cười sẽ bị xử lý vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Cụ thể: – Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. – Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: + Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; + Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. – Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khi có thay đổi về thông tin của cá nhân, tổ chức. – Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. – Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng: – Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP và từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP. – Biện pháp khắc phục hậu quả: + Buộc nộp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP; + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 5 và khoản 6 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP. Hiện nay, những vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chỉ bị xử lý vi phạm hành chính chứ chưa có quy định xử lý hình sự.  Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
 
hotline 0927625666