PHÁP LUẬT HÔM NAY

Quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn tố giác tội phạm của Công an xã, phường. Trước ngày 01/12/2021, theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015, lực lượng Công an xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Để nâng cao trách nhiệm của Công an xã, góp phần giảm tải cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, Quốc hội đã thông qua quy định bổ sung trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã, bảo đảm tương đương với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an (Khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021). Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có cuộc họp liên ngành để xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT). Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 129/2021/TT-BCA, ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân và Thông tư số 119/2021/TT-BCA, ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự. Theo đó, trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm của Công an xã, cụ thể như sau: Thứ nhất, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm Khi kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm do mình tiếp nhận, Công an xã được tiến hành các hoạt động sau: 1) Lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và người có liên quan. Hoạt động lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và người có liên quan của Công an cấp xã tuân thủ quy định tại một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021; Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021; Khoản 6 Điều 2 Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 5/5/2021 của Bộ Công an. 2) Kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường. Công an cấp xã là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã, khi có vụ việc tố giác, tin báo về tội phạm, Công an xã là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường nơi tố giác, báo tin để xác minh ban đầu về tố giác, tin báo phản ánh có đúng hay không. Trường hợp tố giác, tin báo phản ánh là đúng, việc tổ chức lực lượng xuống hiện trường của Công an cấp xã còn nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm gây ra. 3) Xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan. Công an xã thực hiện công tác quản lý cư trú trên địa bàn cấp xã; do đó, Công an cấp xã có thể xác minh thông tin về người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan cư trú tại địa bàn cấp xã. Đối với người bị tố giác, bị hại, người có liên quan không cư trú trên địa bàn, Công an cấp xã có thể xác minh tại các cơ quan có liên quan như: Cơ quan hồ sơ, Cơ quan quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp xã khác... 4) Xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại. Hoạt động xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã. Trong nhiều trường hợp, việc xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại còn làm căn cứ để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để thực hiện biện pháp xử lý cho phù hợp. Theo Khoản 8 Điều 2 Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 5/5/2021 của Bộ Công an, Công an xã có thẩm quyền “cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật”. 5) Phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan  đến hành vi có dấu hiệu tội phạm. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 111, Khoản 3 Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021, Khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 và Khoản 6, Điều 2 Thông tư số 46/2021/TT-BCA ngày 5/5/2021 của Bộ Công an thì trong trường hợp bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, Công an cấp xã có thẩm quyền thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, tránh để sót, lọt, mất mát các vật chứng; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết tiếp theo của Cơ quan điều tra. Thứ hai, thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã Một là, trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với xác xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Trong thời hạn này, Công an cấp xã phải báo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện); tổ chức ngay lực lượng xuống bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người khác có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan. Hai là, trong thời hạn 7 ngày được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với các tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc các trường hợp nêu trên. Trong thời hạn 7 ngày này, Công an cấp xã sẽ tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ như đã nêu ở trên, lập hồ sơ ban đầu về tố giác, tin báo về tội phạm và chuyển hồ sơ cùng tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666