Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu là như thế nào? Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, pháp luật trao cho đương sự quyền được “thay đổi, bổ sung yêu cầu”. Tuy nhiên, quyền hạn đó cũng có sự giới hạn nhất định nhằm tạo ra sự thống nhất trong quá trình giải quyết; tránh ảnh hưởng đến quá trình thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ chứng minh của yêu cầu mới và trên hết là hướng đến đảm bảo quyền lợi cho các bên trong vụ án. Nếu chấp nhận yêu cầu mới đồng nghĩa với việc không cho bên còn lại thời gian chuẩn bị để phản bác yêu cầu mới đó. Nếu không chấp nhận yêu cầu mới thì lại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người yêu cầu mà phải giải quyết bằng một vụ án khác. Công ty Vietlawyer xin chia sẻ về vấn đề này như sau:
Theo đó, quyền ”sửa đổi, bổ sung yêu cầu” của đương sự sẽ được chia thành 02 trường hợp:
1. Trước khi diễn ra phiên tòa
Đương sự sẽ được quyền “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu” theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà không cần quan tâm đến phạm vi sửa đổi, bổ sung yêu cầu đó hẹp hơn, rộng hơn, nhiều hơn yêu cầu cũ trước đó như thế nào. Hay nói cách khác, trong giai đoạn này, việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự không bị giới hạn phạm vi, được quy định tại Khoản 4 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về Quyền, nghĩa vụ của đương sự:
Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.
2. Tại phiên tòa
Tại khoản 1 Điều 244 BLTTDS 2015 quy định:
Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu.
Về mặt ngữ nghĩa, nếu hiểu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện như các ví dụ trên thì sẽ không thể có trường hợp bổ sung yêu cầu khởi kiện mà vẫn trong phạm vi yêu cầu khởi kiện.
Hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn thi hành về việc “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu” là như thế nào.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định hiện hành về cách hiểu thế nào là “yêu cầu khởi kiện ban đầu”, chúng ta sẽ phần nào nhìn nhận được “vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện” là ra sao?
Về quy định của BLTTDS, tại khoản 1 Điều 188 BLTTDS 2015 quy định về phạm vi khởi kiện:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Có nghĩa là nguyên đơn có quyền khởi kiện trong cùng vụ án với nhiều quan hệ pháp luật khác nhau có liên quan, ví dụ: A khởi kiện B đòi lại nhà cho ở nhờ đồng thời yêu cầu bồi thường do làm hư hỏng nhà, ở đây trong cùng một vụ kiện có yêu cầu khởi kiện là hai quan hệ pháp luật có liên quan với nhau, một là yêu cầu đòi lại nhà cho ở nhờ và hai là đòi bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng nhà. Như vậy, yêu cầu khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 244 BLTTDS được hiểu là yêu cầu khởi kiện ban đầu gồm một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau.
Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải thuộc trường hợp bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết và việc bổ sung, thay đổi đó được thực hiện tại phiên tòa. (Trong quá trình giải quyết vụ án nếu họ bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết thì Thẩm phán vẫn thụ lý giải quyết và tùy từng trường hợp mà thu tạm ứng án phí). Việc BLTTDS quy định không cho phép đương sự bổ sung yêu cầu khởi kiện mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu là vì các vụ án đều có thời hạn giải quyết, nếu tại phiên tòa đương sự bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết thì HĐXX không thể thu thập, xác minh thêm chứng cứ cho việc giải quyết quan hệ pháp luật mới yêu cầu, kể cả việc phải giám định, thẩm định, định giá, hòa giải… Trong trường hợp này, HĐXX không chấp nhận giải quyết quan hệ pháp luật mới yêu cầu nhưng đương sự có quyền khởi kiện vụ án khác để yêu cầu giải quyết quan hệ pháp luật đó.
Như vậy, vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là trường hợp tại phiên tòa, đương sự thay đổi, bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu.
Trên đây là quan điểm của Luật sư về trường hợp vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/