DỊCH VỤ LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP

Chi nhánh doanh nghiệp có con dấu riêng không? Chi nhánh doanh nghiệp có được ký hợp đồng không? - Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Chi nhánh doanh nghiệp có con dấu riêng không? Khi thành lập chi nhánh thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định việc chi nhánh đó có sử dụng con dấu hay không tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động. Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về dấu của doanh nghiệp như sau: "Dấu của doanh nghiệp 1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. 2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. 3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật." Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định bắt buộc chi nhánh có con dấu riêng. Do đó, trong quá trình hoạt động thì chi nhánh không bắt buộc phải có con dấu riêng. Song thực tế các chi nhánh của doanh nghiệp hiện nay đa phần đều sử dụng con dấu riêng để thuận tiện trong các hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chi nhánh nói riêng. 2. Chi nhánh doanh nghiệp có được ký hợp đồng không? Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân nên không thể nhân danh chính mình ký hợp đồng được. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể lập ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty, nhân danh công ty ký kết hợp đồng. Khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau: "Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân 1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. 2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. 3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. 4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. 5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. 6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện." Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Như vậy, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện không đương nhiên có quyền đại diện cho chi nhánh ký kết hợp đồng mà quyền này chỉ phát sinh khi có ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Phạm vi và thời hạn ủy quyền là do người đại diện theo pháp luật của công ty quyết định. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có nhu cầu vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
 
hotline 0927625666