Tất cả sản phẩm

Pháp luật về Logistics - Logistics là thuật ngữ mới chỉ được sử dụng trong vài thế kỷ gần đây, nhưng sự tồn tại của logistics thì đã đồng hành cùng loài người từ rất lâu kể từ khi con người biết tích trữ, phân chia, trao đổi, vận chuyển... những vật phẩm mình làm ra.  1. Khái niệm dịch vụ Logistics Trong luật Thương mại 2005, lần đầu tiên khái niệm về dịch vụ logistics được pháp điển hóa. Luật quy định "Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó là thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao". 2. Phân loại dịch vụ logistics 2.1 Theo phân loại của WTO - Dịch vụ logistics lõi: Dịch vụ thiết yếu trong hoạt động logistic và cần phải tiến hành tự do hóa đẩy sự lưu chuyển dịch vụ bao gồm: dịch vụ làm hàng, dịch vụ lưu kho, dịch vụ đại lý vận tải và các dịch vụ hỗ trợ khác. - Dịch vụ có liên quan tới vận tải. Các dịch vụ có liên quan tới cung cấp có hiệu quả dịch vụ logistics bên thứ 3 phát triển gồm có vận tải hàng hóa (đường biển, đường thủy nội địa, hàng không, đường sắt, đường bộ và cho thuê phương tiện không có người vận hành) và các dịch vụ khác có liên quan tới dịch vụ logistics gồm dịch vụ phân tích và thử nghiệm kỹ thuật, dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, bán lẻ. - Dịch vụ thứ yếu hoặc mang tính hỗ trợ: Gồm dịch vụ máy tính và liên quan tới máy tính, dịch vụ đóng gói và dịch vụ tư vấn quản lý. 2.2 Theo quy định của Luật Thương mại Theo Luật Thương mại Việt Nam 2005, Điều 233 quy định các dịch vụ logistics cụ thể sau: - Các dịch vụ logistics chủ yếu bao gồm: + Dịch vụ bốc xếp hàng hóa bao gồm cả hoạt động bốc xếp container. + Dịch vụ kho bãi, lưu trữ hàng hóa bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị. + Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa. + Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm các hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics, hoạt động xử lý tại hàng hóa, hàng hóa tồn kho, hàng bị trả lại, lỗi mốt và tải phân phối, hoạt động cho thuê và thuê mua container. Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải bao gồm: + Dịch vụ vận tải hàng hải. + Dịch vụ vận tải thủy nội địa + Dịch vụ vận tải hàng không + Dịch vụ vận tải đường sắt + Dịch vụ vận tải đường bộ + Dịch vụ vận tải đường ống Các dịch vụ logistics liên quan khác + Dịch vụ kiểm tra, phân tích kỹ thuật. + Dịch vụ bưu chính + Dịch vụ thương mại bán buôn + Dịch vụ bán lẻ bao gồm hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại, phân phối và giao hàng. + Dịch vụ hỗ trợ vận tải khác. Cách phân loại này phù hợp với Biểu cam kết về dịch vụ vận tải của Việt Nam với WTO nhưng chưa thể hiện được những loại hình dịch vụ hiện đại trong điều kiện hiện nay. 2.3 Các trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng kinh doanh dịch vụ Logistics Điều 237 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. 1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây: a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền; c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá; d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải; đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận; e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng. 2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình. Theo điều 294 Luật Thương mại năm 2005, các bên vi phạm hợp đồng được hưởng miễn trách nếu như đó là những miễn trách đã được thỏa thuận trước trong hợp đồng, hoặc bên vi phạm rơi vào tình huống bất khả kháng; hoặc hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của phía bên kia, hoặc do bên vi phạm buộc phải thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, hai bên không thể lường trước được. Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics sẽ không phải chịu trách nhiệm theo các trường hợp quy định tại điều này. Như vậy, thương nhận kinh doanh dịch vụ logistics được hưởng nhiều trường hợp miễn trách hơn so với kinh doanh hàng hóa hay các dịch vụ khác. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về dịch vụ logistics. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666