Đất xen kẹt mặc dù không được pháp luật quy định nhưng trên thực tế thuật ngữ “đất xen kẹt” được sử dụng khá phổ biến tại khu vực đô thị, nhất là những thành phố lớn. Thông qua thực tiễn thì đất xen kẹt chủ yếu được hiểu là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư (xen lẫn với đất ở) hoặc diện tích đất còn dư sau quy hoạch. Đặc điểm của loại đất này là nằm giữa khu dân cư nên thửa đất thường có diện tích không lớn. Đất xen kẹt trên thực tế chủ yếu là đất vườn, đất trồng cây hàng năm khác, đất ao hoặc các loại đất nông nghiệp khác mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Vậy có thể xây nhà trên đất xen kẹt không? Hãy cùng công ty Luật VietLawyer tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây:
1. Có thể xây nhà trên đất xen kẹt không?
Luật đất đai năm 2013 quy định phải sử dụng đất đúng kế hoạch và đúng mục đích. Quá rõ ràng đất xen kẹt phần lớn là đất nông nghiệp, mà đã là đất nông nghiệp khi không được phép xây nhà. Như vậy phần đất này sẽ không được xây nhà, muốn xây nhà bạn phải làm Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, nếu có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất bạn mới có cơ hội xây nhà, bằng không nếu cố ý xây nhà thì mảnh đất của bạn được tính là xây dựng sai quy định, ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính còn bị yêu cầu tháo dỡ các công trình đã xây.
Khi xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bạn nhận quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất ở, cá nhân phải làm đơn xin xây dựng các công trình gửi lên sở xây dựng để được xây nhà.
2. Điều kiện chuyển đổi đất xen kẹt thành đất ở để xây nhà
Căn cứ Điểm d, Điểm e, Khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai quy định như sau:
“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
…
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
…
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở”.
Như vậy, việc chuyển đổi đất xen kẹt thành đất ở phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, căn cứ Điều 52, Luật Đất đai quy định như sau:
“Điều 52. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.
Như vậy, UBND cấp huyện chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất xen kẹt thành đất ở khi đủ 2 điều kiện sau:
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan Nhà nước phê duyệt cho phép chuyển sang đất ở. Nếu không có kế hoạch thì người sử dụng đất phải đợi.
Có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định
3.Thủ tục chuyển đổi đất xen kẹt thành đất ở
3.1. Hồ sơ chuẩn bị
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các giấy tờ sau:
Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3.2. Quy trình thực hiện
Căn cứ Điều 69, Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BTNMT quy định về trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan Tài nguyên và Môi trường.
Bước 2: Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm:
Thẩm tra hồ sơ
Xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất
Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật
Trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 4: Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bước 5: Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ gửi quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.
4. Chuyển đổi đất xen kẹt thành đất ở mất bao lâu?
Căn cứ Khoản 40, Điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về thời gian thực hiện thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý:
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian trả kết quả không quá 25 ngày.
- Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
5. Quy định mới về chuyển đổi đất xen kẹt
Căn cứ quy định tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định 148/2020/NÐ-CP về thì các thửa đất nhỏ hẹp (người dân thường gọi là đất xen kẹt) do Nhà nước quản lý sẽ ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Nếu không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Nếu có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp thì việc giao đất, cho thuê đất sẽ thực hiện qua hình thức đấu giá. Không áp dụng hình thức đấu giá với trường hợp chỉ có một người có nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, trong Khoản 1, Điều 1 của Nghị định trên có quy định như sau:
Thời hạn sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được xác định thống nhất với thời hạn sử dụng của thửa đất mà người sử dụng đất liền kề đang sử dụng. Trường hợp giao, cho thuê các thửa đất nhỏ hẹp gắn với việc chuyển mục đích sử dụng của thửa đất liền kề với thửa đất nhỏ hẹp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 125 và Điều 126 của Luật Đất đai.
Theo quy đinh trên nếu giao đất, cho thuê đất xen kẹt gắn với việc chuyển mục đích sử dụng của thửa đất liền kề thì việc thời hạn sử dụng đất được xác định theo nhóm đất sử dụng ổn định lâu dài và nhóm đất sử dụng có thời hạn.
Như vậy, đất xen kẹt có thể chuyển thành đất ở nếu được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục chuyển đổi theo hướng dẫn ở trên.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc có được xây nhà trên đất xen kẹt và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất với đất xen kẹt. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/