Sử dụng giấy tờ tài liệu giả ngày càng tràn lan gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc quản lý an ninh và trật tự xã hội. Nhiều người lạm dụng việc tiện lợi của một số loại giấy tờ giả như: Giấy phép lái xe giả, giấy khám sức khỏe giả, chứng chỉ giả,... mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy, việc sử dụng giấy tờ giả bị xử lý thế nào - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.
1. Giấy tờ giả là gì?
Trước hết về khái niệm giấy tờ giả, hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về định nghĩa “giấy tờ giả” tuy nhiên có thể hiểu giấy tờ giả là các giấy tờ không được làm ra theo đúng trình tự, thủ tục , tiêu chuẩn mà pháp luật quy định; không do cơ quan có thẩm quyền cấp hợp pháp.
Giấy tờ giả có hình thức và nội dung giống giấy tờ thật khiến người khác bị lầm tưởng hoặc bị đánh lừa là giấy tờ thật. Việc làm giấy tờ giả được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu nhằm phục vụ cho các hành vi lừa đảo hoặc nhằm che mắt cơ quan chức năng khi yêu cầu xuất trình giấy tờ.
Giấy tờ giả thường được thể hiện dưới các loại sau:
- Giấy tờ giả về mặt hình thức thể hiện (hình thức bên ngoài giống hệt với giấy tờ thật) như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh nhân dân,...
- Giấy tờ giả về quá trình cấp, thẩm quyền và nơi cấp;
- Giấy tờ có chữ ký, con dấu và mẫu giấy thật nhưng tên và thông tin trong giấy tờ là giả hoặc được cấp cho người không đủ điều kiện, không thực hiện đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn mà pháp luật quy định,...
Việc sử dụng giấy tờ giả không chỉ gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận loại giấy tờ này mà còn gây hại trực tiếp đến người có thông tin trong giấy tờ. Ngoài ra, hành vi sử dụng giấy tờ giả còn ảnh hưởng đến trật tự quản lí xã hội.
2. Yếu tố cấu thành tộ sử dụng con dấu, tài liệu giả
- Mặt khách quan: Người phạm tội có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Việc sử dụng giấy tờ, tài liệu gia trong trường hợp này là để nhằm mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức và sử dụng nó như là công cụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Do vậy, nếu một người mặc dù có giấy tờ giả nhưng không sử dụng nó để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan: Đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nghĩa là bản thân họ biết và nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, dù mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn hậu quả đó xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả đó xảy ra. Hành vi của họ là lỗi cố ý nhằm mục đích để lừa dối cơ quản, tổ chức, có thẩm quyền để thực hiện hành vi vi phạm nhằm trục lợi cho bản thân.
- Khách thể: Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được xác định là xâm phạm trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế - xã hội, xâm phạm đến quy trình cũng như tính đúng đắn trong hồ sơ, thủ tục khi tham gia các quan hệ xã hội.
- Chủ thể: Mọi cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
3. Trách nhiệm hình sự, xử phạt khi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả.
Nếu một người có hành vi sử dụng giấy tờ giả mà đáp ứng được các yếu tố cấu thành Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
“ 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Trường hợp, người có hành vi sử dụng giấy tờ giả nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, tùy thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng. Hiện nay, trong quy định pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung cho việc sử dụng các giấy tờ giả mà quy định việc xử phạt hành vi này trong từng lĩnh vực cụ thể.
- Đối với hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả thì căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả...
- Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời bị tịch thu Văn bằng, chứng chỉ giả,..
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính thì tùy thuộc vào đối tượng thực hiện hành vi mà trong một số trường hợp người thực hiện hành vi sử dụng giấy tờ giả còn có thể bị xử lý kỉ luật với mức độ khác nhau.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.