Tất cả sản phẩm

Để được kinh doanh bất động sản các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo bất động sản được đưa vào kinh doanh phải thoả mãn được các điều kiện được kinh doanh được pháp luật quy định. Vậy điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh là gì? Trên quy định của pháp luật hiện hành Công ty Luật VietLawyer chia sẻ với quý bạn đọc như sau:  1. Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh Tại Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định các loại bất động sản đưa vào kinh doanh như sau: Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này (sau đây gọi là bất động sản) bao gồm: 1. Nhà, công trình xây dựng có sẵn của các tổ chức, cá nhân; 2. Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân; 3. Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh; 4. Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất. 2. Điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh  Tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh gồm:  1. Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; c) Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án. 2. Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Pháp luật Việt Nam về căn hộ du lịch (Condotel) - Cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế, du lịch cũng như có các đặc điểm nổi bật về điều kiện địa lý và văn hóa, Việt Nam là điểm đến du lịch nổi tiếng và quen thuộc của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các khách du lịch đến Việt Nam có tác động không nhỏ đến nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo báo cáo của Bộ Xây Dựng về nhà ở và thị trường bất động sản tại Việt Nam thì đến Quý IV/2020 trên cả nước có 01 dự án mới với 3300 căn hộ du lịch được cấp phép; 93 dự án với 19.128 căn hộ du lịch và 6.759 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 18 dự án với 62 căn hộ du lịc, 370 biệt thự du lịch hoàn thành. Tuy số lượng các căn hộ condotel ngày càng tăng nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc kinh doanh, quản lý loại hình căn hộ này dẫn đến nhiều vướng mắc trên thực tế. Công ty VieLawyer xin chia sẻ về vấn đề này như sau: 1. Khái niệm Condotel hay còn gọi là căn hộ du lịch hoặc căn hộ khách sạn, là tên gọi được viết tắt bởi hai từ condominimum (căn hộ) và hotel (khách sạn). Sở dĩ loại hình này có tên gọi là condotel bởi vi có thể sử dụng như khách sạn và nhà ở. Condotel được xem là một loại hình khách sạn nhưng lại được xây dựng như một căn hộ chung cư có đầy đủ phòng ăn, phòng bếp, phòng ngủ, nhà tắm, phòng khách,... Chủ sở hữu condotel có quyền cho thuê, bán hoặc dùng để ở như một căn hộ chung cư. Hầu hết các dự án condotel đều được  tập trung tại các thành phố du lịch, có biển như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu,... và được quản lý và sử dụng như loại hình khách sạn. Trên thị trường hiện nay có ba loại hình căn hộ du lịch chính, bao gồm: (i) Mô hình cam kết lợi nhuận: với mô hình này chủ đầu tư cam kết một khoản lợi nhuận tương ứng trong thời hạn 5-10 năm đầu và sau thời hạn cam kết thì lợi nhuận sẽ được chia dựa trên lợi nhuận kinh doanh thực tế từ hoạt động cho thuê căn hộ; (ii) Mô hình sở hữu kì nghỉ: đối với mô hình này thì khách hàng không mua căn hộ từ chủ đầu tư mà mua kỳ nghỉ trên hệ thống quốc tế. Sau khi mua kỳ nghỉ từ một chủ đầu tư thì khách hàng có quyền nghỉ tại các dự án, điểm du lịch trên thế giới của chủ đầu tư này hoặc kiếm lợi nhuận từ việc chuyển nhượng lại kỳ nghỉ; và (iii) Mô hình cam kết không lợi nhuận: với mô hình này khách hàng có thể tự do khai thác, sử dụng căn hộ của mình để ở, kinh doanh hoặc ký gửi với chủ đầu tư và nhận lợi nhuận theo lợi nhuận kinh doanh thực tế của căn hộ. 2. Quy định của pháp luật Việt Nam về căn hộ condotel  Hiện nay, tuy các căn hộ condotel được quảng cáo là có khả năng sinh lời nhanh nhưng trên thực tế số lượng căn hộ condotel tồn lên đến 18.000 căn hộ. Sở dĩ các nhà đầu tư còn e ngại đối với loại hình bất động sản này vi căn hộ condotel vẫn chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Việc thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động giao dịch, chuyển nhượng đối với loại hình căn hộ này. Nhận thấy được thực trạng này, ngày 14 tháng 02 năm 2020, Bộ Tài Nguyên vá Môi Trường đã ban hành Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ (sau đây gọi tắt là “Công văn 703”) về việc hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sử hữu công trình xây dựng không phải nhà ở như là condotel và biệt thự nghỉ dưỡng. Nội dung công văn 703 xác định các dự án du lịch nghỉ dưỡng sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ. Các tổ chức thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ sẽ được nhà nước xem xét, quyết định dựa trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm; khi hết hạn thì được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu. Đồng thời, Công văn 703 cũng đề cập đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho các dự án công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện chuyển nhượng và trình tự, thủ tục, hồ sơ của việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng nội dung Công văn 703 không mới và không thể giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến căn hộ condotel, cụ thể theo ông Mai Văn Phấn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, có nhận định rằng: “Văn bản của tổng cục là hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật” và văn bản gửi đi: “Chỉ là văn bản hướng dẫn, chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật”. Thực tế, theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là “HoREA”) vẫn còn ba vướng mắc pháp lý nổi cộm về căn hộ condotel mà Công văn 703 vẫn chưa giải quyết được, cụ thể: Thứ nhất, vẫn chưa có quy định cụ thể về cơ chế vận hảnh, quản lý tòa căn hộ condotel khi loại dự án này được đưa vào khai thác kinh doanh. Thứ hai, vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc xác định phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng, quyền sử dụng đất chung để làm căn cứ cấp sổ hồng cho các căn hộ condotel; và Cuối cùng, vấn đề về việc xác định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, vấn đề quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì cho phần sở hữu chung của dự án condotel vẫn chưa được quy định.  Như vậy, vấn đề đáng lưu tâm và cấp thiết trước mắt là cần có quy định pháp lý để giải quyết các vướng mắt trên, góp phần tạo điều kiện cho quá trình cấp sổ hồng cho các căn hộ condotel và tạo sự an tâm đối với nhà đầu tư đang có dự tính đầu tư vào loại hình căn hộ này. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer liên quan đến pháp luật Việt Nam về căn hộ du lịch. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/  
 
hotline 0927625666