Tất cả sản phẩm

Xử lý hành vi ép người khuyết tật đi ăn xin – Không khó để bắt gặp tại các ngã ba, ngã tư, bến xe hay bất kì chỗ nào hình ảnh nào đó những người khuyết tật ăn xin hay bán hàng rong dù trời nắng hay mưa. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện nhiều trường hợp người khuyết tật bị các đối tượng xấu ép đi ăn xin và bóc lột những khoản tiền đó. Những hành vi ép buộc như thế này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Sau đây Công ty Luật VietLawyer xin được gửi tới quý vị và bạn đọc thông tin xử lý hành vi ép người khuyết tật đi ăn xin trong bài viết sau đây. 1. Người khuyết tật được đảm bảo các quyền gì? Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.” Theo đó, người khuyết tật được đối xử một cách bình đẳng, hoà nhập cộng đồng và không ai có quyền ép buộc họ phải đi ăn xin để để người khác hưởng lợi. 2. Lợi dụng người khuyết tật để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm Quy định tại Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010 nghiêm cấm các hành vi sau: “1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. 2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. 4. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật. 6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật. 7. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.” Hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi, cụ thể là ép buộc người khuyết tật đi ăn xin để người khác hưởng lợi là hành vi bị nghiêm cấm và xử phạt theo quy định của pháp luật. 3. Xử lý hành vi ép người khuyết tật đi ăn xin 3.1. Xử phạt vi phạm hành chính Khoản 3 Điều 9 Nghị Định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định như sau: “3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;” b) Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự Đối với hành vi lợi dụng người khuyết tật trục lợi, Bộ luật HÌnh sự 2015 chưa có quy định về tội này nhưng nếu đối tương xấu có những hành vi như ngược đãi, đánh đập, hành hạ … người khuyết tật thì nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; Tội hành hạ người khác … thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà sẽ bị xử lý với từng mức phạt cụ thể được quy định tại Bộ luật hình sự. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về xử lý hành vi ép người khuyết tật đi ăn xin. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" ? - Gần đây có nhiều vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trực trạng cho thấy, tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng. Vậy, nguyên nhân từ đâu, giải pháp gì để hạn chế tội phạm này? Bài viết sẽ đi sâu nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến tội phạm này với mong muốn giải đáp một phần cho các câu hỏi đặt ra 1. Tình hình tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thời gian gần đây Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là một trong những tội đang có chiều hướng tăng cả về quy mô cũng như tính chất. Thời gian gần đây đã có nhiều vụ án liên quan đến tội danh này được cơ quan nhà nước khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Một số các vụ án điển hình gồm: - Ngày 07/06/2022, ông Nguyễn Thành Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ  - Ngày 10/06/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My và khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Bùi Văn Sâm cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. - Ngày 13/08/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 04 bị can Nguyễn Mão, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Thị Thương về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ - Ngày 17/08/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Sơn La thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 05 đối tượng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La và Chi cục Dự trữ Nhà nước Mộc Châu - Ngày 24/03/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 bị can Nguyễn Trọng Bình, Phan Đình Hiền, Lưu Thị Thanh Tâm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ Trên đây là một số vụ án điển hình liên quan đến tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và đang bị các cơ quan nhà nước khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Các hành vi trên ngày càng có xu hướng gia tăng từ trung ương đến khu vực địa phương, rộng khắp các tỉnh, thành cả nước, không những làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân. 2. Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ Trước đây, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 và hiện được ghi nhận tại Điều 356 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). So với BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tội danh này theo hướng thay đổi các tình tiết “định tính” bằng cách quy định cụ thể thiệt hại về tài sản; đồng thời tách khung hình phạt để cụ thể hóa trách nhiệm hình sự. Điều 356 BLHS năm 2015 quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị áp dụng hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều luật. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể có hành vi vi phạm thì phải thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm sau: Chủ thể của tội phạm Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”. Nội dung quy định nêu trên cho thấy chủ thể của tội phạm gồm 2 loại: cá nhân và pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chỉ có thể là cá nhân và chủ thể này cần phải thỏa mãn hai dấu hiệu: Năng lực chịu trách nhiệm hình sự và Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong đó, năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là người đó phải có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó theo những yêu cầu chung của xã hội. Khoản 1 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Trong khi đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 mà trong đó không bao gồm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Chính vì vậy, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Mặc dù luật quy định là người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chưa có người nào từ 16 - 18 tuổi bị truy tố về tội danh này. Như vậy, có thể thấy là bên cạnh những đặc điểm chung giống như các chủ thể tội phạm khác thì chủ thể tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ còn có một số đặc điểm riêng biệt như: trước khi phạm tội, các chủ thể này luôn là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý nhà nước; đa số họ đều được đào tạo bài bản, am hiểu pháp luật và đã đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng trong các cơ quan nhà nước... Tuy là hai dấu hiệu độc lập liên quan đến chủ thể tội phạm nhưng năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chính là điều kiện, là tiền đề của năng lực trách nhiệm hình sự. Khách thể của tội phạm Khi xem xét dưới góc độ khách thể trực tiếp của tội phạm, chúng ta thấy khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là quan hệ xã hội bảo đảm cho sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (trong hoạt động công vụ); lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để quản lý xã hội, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Chính vì vậy, hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan, xâm hại hoặc gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Điều 356 BLHS năm 2015 bảo vệ thì tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm Mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện công vụ được giao và họ đã không thực hiện, không thực hiện kịp thời, không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không đúng với yêu cầu của công vụ. Tất cả các biểu hiện này đều được coi là làm trái công vụ nhưng vẫn trong phạm vi quyền hạn của chủ thể. Quy định về công vụ có thể tồn tại trong các quy định của pháp luật, nội quy, chế độ, thể lệ của ngành hoặc địa phương. Hành vi làm trái của chủ thể có chức vụ, quyền hạn phải gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Đây là loại tội phạm mà hậu quả nguy hiểm của nó rất đa dạng. Nó có thể là những thiệt hại có tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người... Trong trường hợp chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xem xét xử lý hành chính. Qua phân tích ở trên, có thể rút ra một kết luận là để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể của tội này thì dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm phải thỏa mãn 2 điều kiện cơ bản: (1) Chủ thể đó phải thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ; (2) Việc thực hiện hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mà luật hình sự đã quy định. Chính vì vậy, hậu quả xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hơn thế nữa, mức độ của hậu quả xảy ra còn có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để từ đó lượng hình phù hợp. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm các yếu tố như: lỗi; động cơ, mục đích. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng phải là hành vi và được thực hiện một cách có lỗi. Lỗi có hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý phạm tội được phân ra thành hai trường hợp là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Vô ý phạm tội được phân ra thành hai trường hợp là lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý vì cẩu thả. Xuất phát từ tính chất đặc thù của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên mặt chủ quan của tội phạm này được thực hiện bởi lỗi cố ý. Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là hai dấu hiệu quan trọng thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Động cơ phạm tội theo tâm lý học pháp lý là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp cố ý phạm tội thì bao giờ hành vi của người phạm tội cũng được thúc đẩy bởi động cơ phạm tội, chỉ những trường hợp phạm tội do vô ý vì cẩu thả hay quá tự tin mới không có động cơ phạm tội thúc đẩy. Như vậy, có thể thấy là động cơ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm. Động cơ cá nhân khác có thể là do nể nang, vì tình cảm cá nhân; vì lợi ích phi vật chất của mình như mong muốn củng cố, nâng cao địa vị, uy tín hoặc gia tăng quyền lực cá nhân. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này. Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra và sẽ cố gắng đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội phạm luôn có mối quan hệ với nhau, hậu quả của tội phạm là sự thể hiện, phản ánh mục đích phạm tội. Do đó, có thể thấy là mục đích của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là làm sao để đạt được nhiều lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc nhằm củng cố, nâng cao địa vị, uy tín, gia tăng quyền lực cá nhân. ======================================== Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc cần được giải đáp hoặc cần hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật VietLawyer. Trân trọng./.
Bạo lực gia đình là một dạng của bạo lực xã hội, là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại với các thành viên khác trong gia đình. Ảnh hưởng của bạo hành gia đình trải rộng từ tâm lý cho đến thể chất của nạn nhân. Nhiều trường hợp hành vi bạo lực dẫn đến thương tật suốt đời thậm chí tử vong. Bạo lực gia đình thường là nguyên nhân khởi phát trầm cảm và sang chấn tâm lý sau này. Vậy hành vi nào bị coi là bạo lực gia đình? Người có hành vi bao lực gia đình bị xử phạt ra sao?  1. Thế nào là bạo lực gia đình? Theo đó, Luật Phòng,chống bạo lực gia đình 2022 mới được ban hành đã bổ sung cũng như liệt kê các hành vi bạo lực gia đình tại Điều 3 Luật Phòng,chống bạo lực gia đình 2022. 1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm: a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật. 2. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 5 Luật Phòng,chống bạo lực gia đình 2022 cũng có nêu rõ việc pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, do hành vi bạo lực gia đình là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Nên khi có chủ thể vi phạm, người này có thể phải chịu những chế tài của pháp luật. 2. Người có hành vi bao lực gia đình bị xử lý thế nào? Cụ thể thì căn cứ theo Điều 41 Luật Phòng,chống bạo lực gia đình 2022 có quy định về hình thức xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau: 1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó.Như vậy, hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Đối với việc xử lý hành chính hành vi bạo lực gia đình, thì căn cứ theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này. Ngoài ra, tùy vào cấu thành của hành vi mà người có hành vi đánh đập người thân trong gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự những tội danh sau: - Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) ... Và nhiều tội danh khác có cấu thành tội phạm tương ứng với hành vi bạo lực gia đình. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.  
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 02 tội danh xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt hai tội danh trên - VietLawyer sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Thế nào là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản? Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đóhoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản. Trong trường hợp người vi phạm bỏ trốn, tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 2. Phân biệt lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản Về cơ sở pháp lý: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) Về đối tượng: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tài sản bị chiếm đoạt do người khác quản lý, có thể là tài sản của Nhà nước. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Tài sản bị chiếm đoạt do chính người phạm tội quản lý. Về tính chất: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt phải diễn ra từ trước. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Sau khi được giao tài sản (hợp pháp) mới phát sinh hành vi chiếm đoạt. Về hành vi: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: + Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng: + Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; + Đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Về giá trị tài sản để định tội: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: - Trên 02 triệu đồng - Dưới 02 triệu đồng, thuộc các trường hợp: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: - Trên 04 triệu đồng - Dưới 04 triệu đồng, thuộc các trường hợp: + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Về khung hình phạt: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: - Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. - Mức phạt tối đa: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: - Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm - Mức phạt tối đa: thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 3. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị xử phạt thế nào? - Truy cứu trách nhiệm hình sự: Mức phạt cho Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cụ thể: 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. - Xử phạt hành chính: Căn cứ theo Điểm c, d khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) Nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: - Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; - Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
 
hotline 0927625666