Tất cả sản phẩm

    Buôn lậu là hành vi phạm tội khá phổ biến hiện nay. Do nước ta cấm tiêu thụ và đánh thuế khá cao cho một số mặt hàng hạn chế tiêu thụ như thuốc lá, rượu bia,... nên một số cá nhân vì lợi nhuận mà sẵn sàng buôn bán hàng hóa xuyên quốc gia tránh sự kiểm soát của hải quan và bộ đội biên phòng nhằm mục đích trốn thuế, thu lợi bất chính,... Vậy như thể nào bị coi là buôn lậu? Tội buôn lậu bị xử phạt như thế nào? - VietLawyer sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Buôn lậu là gì?     Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.     Việc buôn bán trái pháp luật trên thể hiện thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, dấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính. 2. Mức phạt tội buôn lậu theo Bộ luật Hình sự Mức phạt tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau: 1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; h) Phạm tội 02 lần trở lên; i) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.     Trường hợp người được thuê vận chuyển (khuân vác, lái xe) có hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, …qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại cũng được coi là phạm tội buôn lậu với vai trò người giúp sức hoặc đồng phạm. Tùy thuộc vào loại hàng hóa được buôn lậu mà pháp luật áp dụng hình phạt cụ thể theo các thông tư và nghị định liên quan.     Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Ngoài việc liên lạc băng điện thoại với người thân thì phạm nhân còn có thể liên lạc bằng cách nào khác? - Anh X.Tú (Hà Tĩnh)  Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời như sau: Tại Điều 54 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định chế độ liên lạc của phạm nhân như sau: - Phạm nhân được gửi mỗi tháng 02 lá thư. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải kiểm tra, kiểm duyệt thư mà phạm nhân gửi và nhận. - Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc cho phạm nhân liên lạc bằng điện thoại và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này. - Chi phí cho việc liên lạc của phạm nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do phạm nhân chi trả. Như vậy, ngoài gọi điện thoại thì phạm nhân còn được gửi thư thư. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
9 trường hợp tăng lương cơ sở từ ngày 01/07/2023 - Chính phủ ban hành nghị định 24/2023/NĐ-CP về tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/07/2023, thay thế cho Nghị định 38/2019/NĐ-CP Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ sở 2023 dùng làm căn cứ: + Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; + Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; + Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Hiện hành, mức lương cơ sở là 1.49 triệu đồng (áp dụng đến ngày 30/6/2023). 1. Tiền lương cán bộ, công chức thay đổi sao khi tăng lương cơ sở từ 01/7/2023 Từ ngày 01/7/2023, cả nước thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với hiện hành. Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương. Ví dụ: Công chức loại A1 có hệ số lương khởi điểm là 2,34. Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng. Còn nếu tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng áp dụng từ ngày 1/7/2023 thì tiền lương có thể lên tới 4,212 triệu đồng/tháng. 2. Các chủ thể được tăng lương cơ sở theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP bao gồm: - Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019). - Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019). - Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019). - Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. - Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP). - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. - Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân. - Người làm việc trong tổ chức cơ yếu. - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về các trường hợp được tăng lương cơ sở từ ngày 01/07/2023. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Chồng tôi vừa bị đi tù được 4 tháng, tôi muốn biết quy định về việc gặp và nhận quà của người ở tù? - Chị L.Lý (Hải Dương) Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời chị như sau:  Căn cứ theo Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019 chế độ găp, nhận quà của phạm nhân được quy định: - Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ. - Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định. - Khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm. Đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quản lý. Việc quản lý, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 của Luật này. - Phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. - Thân nhân của phạm nhân đến gặp phạm nhân phải mang theo sổ thăm gặp hoặc đơn xin gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải phổ biến cho thân nhân của phạm nhân về quy định thăm gặp phạm nhân; thân nhân của phạm nhân phải chấp hành các quy định này. Đối với phạm nhân là người nước ngoài, trường hợp thân nhân là người nước ngoài thì phải có đơn xin gặp gửi cơ quan quản lý thi hành án hình sự, đơn phải viết bằng tiếng Việt hoặc được dịch ra tiếng Việt và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam nơi người đó làm việc; trường hợp thân nhân là người Việt Nam thì đơn xin gặp phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan quản lý thi hành án hình sự có trách nhiệm trả lời người có đơn; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng thời hạn trả lời không quá 30 ngày. - Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí nơi phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác. - Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/  
Chồng tôi đang ở trại cai nghiện có được chịu tang bố không? - Chị M.Hà (Hà Nội)  Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến với Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định của pháp luật chúng tôi trả lời câu hỏi của chị như sau:  Theo Điều 70 Nghị định 116/2021/Nđ-CP quy định về chế độ chịu tang của người cai nghiện như sau:  "1. Khi bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì người cai nghiện được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa là 05 ngày, không bao gồm thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. 2. Trình tự thủ tục giải quyết chế độ chịu tang: a) Gia đình người cai nghiện làm đơn đề nghị cho người cai nghiện về chịu tang, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người cai nghiện cư trú gửi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: họ tên, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mối quan hệ với người cai nghiện, thời gian đề nghị cho người cai nghiện được về chịu tang và cam kết quản lý, giám sát không để người cai nghiện sử dụng ma túy trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong thời gian về chịu tang theo mẫu số 48 Phụ lục II Nghị định này. b) Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Giám đốc cơ sở cai nghiện có trách nhiệm xem xét, quyết định việc cho người cai nghiện về chịu tang. Quyết định cho phép về chịu tang phải gồm các nội dung: họ tên, thời gian được về chịu tang; trách nhiệm của gia đình trong việc đón, đưa trả về cơ sở cai nghiện, quản lý người cai nghiện trong thời gian về chịu tang. Quyết định được gửi cho gia đình người cai nghiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để phối hợp quản lý và lưu trong hồ sơ người cai nghiện theo mẫu số 49 Phụ lục II Nghị định này. 3. Gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đón người cai nghiện về và bàn giao người cai nghiện lại cho cơ sở cai nghiện bắt buộc khi hết thời gian chịu tang, mọi chi phí đưa, đón người cai nghiện do gia đình người cai nghiện chi trả. Việc giao và nhận người cai nghiện giữa cơ sở cai nghiện bắt buộc với gia đình phải được lập thành biên bản, lưu hồ sơ của người cai nghiện. 4. Cơ sở cai nghiện phải kiểm tra sức khỏe, tình trạng sử dụng ma túy khi tiếp nhận người cai nghiện. Trường hợp quá thời hạn được nghỉ chịu tang mà người cai nghiện không trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm theo quy định của pháp luật." Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chồng chị đang ở trại cai nghiện có được về chịu tang bố. Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Chồng tôi đang cai nghiện trong trại tôi muốn gặp chồng mỗi tuần được không? - Chị T.Hoa (Thái Nguyên) Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành chúng tôi trả lời như sau:  Tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện như sau: "1. Người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ. Người cai nghiện có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng, tổ chức phòng riêng để học viên thăm gặp vợ hoặc chồng." Như vậy, chị được gặp chồng mỗi tuần một lần.  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/.
Vợ chồng tôi đã tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn, vậy có bị phạt không? - Chị H.Huệ (An Giang) Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi và tin tưởng Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời như sau:  Về đăng ký kết hôn theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:  "1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. 2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn." Việc vợ chồng chị tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn được xem như chung sống với nhau như vợ chồng.  Như vậy, pháp luật vẫn thừa nhận việc anh chị sống chung mà không cần đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, nếu phát sinh vấn đề giữa vợ chồng thì sẽ không được điều chỉnh theo quy định về pháp luật hôn nhân gia đình.  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có phải báo trước không? - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có phải báo trước không? Công ty Luật VietLawyer tư vấn như sau: Sau khi đảm bảo trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là một trong những trường hợp được nêu trên, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ về quy định báo trước về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động này tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động: - Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; - Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; - Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với người lao động bị ốm đau, tai nạn trong trường hợp được nêu ở mục trên. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể không phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 như sau: - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; - Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. Lưu ý: Trường hợp người lao động trong công ty của chị làm những công việc đặc thù được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì sẽ được áp dụng thời hạn báo trước khác. Các ngành, nghề, công việc đặc thù gồm có: - Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; - Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; - Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài. Đối với những ngành nghề này, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước: - Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; - Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng. Như vậy, tùy theo lý do và loại hợp đồng lao động tương ứng thì thời gian báo trước của người sử dụng lao động. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp nào? - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy, người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp nào? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau: - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động; - Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong khoảng thời gian sau: + Điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; + Điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; + Điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Lưu ý: Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động; - Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc; - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; - Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu; - Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; - Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động, như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Theo đó, nếu công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động thì phải đảm bảo việc đơn phương chấm dứt này xuất phát từ một trong số các lý do được nêu trên. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
Vợ chồng tôi đã ly hôn được 3 năm nhưng giờ muốn kết hôn lại với nhau có được không? - Chị M.Nhung (Hà Nam)  Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời như sau: Về quy định đăng ký kết hôn:  Theo khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn." Như vậy, vợ chồng chị đã ly hôn thì vẫn kết hôn lại được.  Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Công ty không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào? - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy, người sử dụng không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp nào? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Có một số trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2019: - Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong thời gian dưới đây mà khả năng lao động chưa hồi phục: + Đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; + Đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; + Đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. - Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý; - Người lao động nữ mang thai; - Người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với công ty chúng tôi để được giải quyết kịp thời.
04 trường hợp không được thực hiện chứng thực chữ ký? Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định có 4 trường hợp không được thực hiện chứng thực chữ ký bao gồm: - Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. - Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo. - Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân. - Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về các trường hợp không được chứng thực chữ ký. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666