Xu hướng công nghệ 4.0 đã phủ sóng trên toàn thế giới kéo theo việc áp dụng công nghệ vào trong đời sống được đẩy mạnh với tốc độ rất cao, việc thanh toán và sử dụng công nghệ là tiền phi vật lý là một ví dụ điển hình. Chắc hẳn trong chúng ta ai đã từng nghe qua cụm từ Bitcoin hay "tiền ảo" nhưng ở nước ta vẫn chưa có văn bản nào xác nhận, cho phép lưu hành "tiền ảo". Vậy theo quy định của Pháp luật Việt Nam, sử dụng mua bán trao đổi tiền ảo ở Nước ta có được coi là hợp pháp hay không?
I: "Tiền ảo", tiền mã hoá là gì? Tiền ảo thường được sử dụng như thế nào?
Tiền ảo (hay tiền điện tử) là một loại tài sản ảo tận dụng máy tính và công nghệ Blockchain để tự hoạt động mà không cần bên thứ ba quản lý. Bên thứ ba này thường là các công ty quản lý hệ thống có máy chủ tại nước ngoài.
Đặc điểm của tiền ảo là tồn tại dưới dạng phi vật lý, không được cụ thể một quốc gia nào bảo trợ và kém ổn định trên thị trường. Tiền ảo thường được giữ trong các ví điện tử để những người sở hữu sử dụng để trao đổi mua bán với mục đích sinh lời.
II: Tính hợp pháp của "Tiền ảo" tại Việt Nam hiện nay.
Theo điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015 có định nghĩa về tài sản:
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Theo Luật Ngân hàng 2010 quy định về phát hành tiền:
Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, theo quy định của Pháp luật hiện hành Nhà nước không đánh giá tiền ảo là một tiền hợp pháp được Nhà nước ban hành, không coi là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra nó cũng không được coi là tài sản để nhận những quyền bảo đảm cùa Nhà nước.
Khi sử dụng lưu hành tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam có vi phạm pháp luật hay không?
Theo Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không sử dụng tiền mặt đã nêu rõ:
Điều 4: Giải thích từ ngữ
6, Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
7, Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này;
Kèm theo đó tại Điều 6 của nghị định này cũng nêu rõ một trong các hành vi bị cấm là "Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp"
Có thể nhận thấy Pháp luật không công nhận sử dụng tiền ảo là một phương tiện thanh toán, nếu có cá nhân tổ chức vẫn sử dụng tiền ảo để thanh toán trong lãnh thổ Việt Nam thì được coi là đã vi phạm quy định cấm của luật quy định tại Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP với mức phạt có thể lên tới 100.000.000 đồng.
Theo Pháp luật Hình sự quy định tại điều 206 về Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu người nào Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì mức phạt có thể đến 03 năm tù.
Hiện tại, chưa có quy định nào cụ thể để kiểm soát quản lý tiền ảo nên thực trạng mua bán trao đổi đầu tư tiền ảo vẫn diễn ra rất nhiều. Điều này không vi phạm điều cấm của Pháp luật nhưng Pháp luật không đánh giá tiền ảo là một loại tài sản nên mọi người khi tham gia thị trường tiền ảo cần hết sức lưu ý để bảo vệ tài sản cho bản thân mình.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer qua câu hỏi "Phụ nữ có thể là chủ thể của tội hiếp dâm hay không?" theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.