Tất cả sản phẩm

Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp nào? - Hiện nay, trên thị trường có đa dạng các loại sản phẩm, hàng hóa nhưng có một số loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn còn xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Vậy người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp nào? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau:  1. Khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì khách hàng sẽ được bồi thường những gì? Căn cứ tại Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 có quy định về các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gồm: - Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại. - Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người. - Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản. - Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. 2. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại là bao lâu? Căn cứ tại khoản 3 Điều 56 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại như sau: - Đối với sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 2 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm; - Đối với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hóa không ghi hạn sử dụng.   3. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp nào? Căn cứ tại khoản 2 Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì  người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa trong trường hợp: - Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa - Không thuộc các trường hợp người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng. - Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài. 4. Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về bên sản xuất, nhập khẩu hay bên bán hàng? Căn cứ tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 62 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng thì người sản xuất, nhập khẩu và người bán hàng đều không phải bồi thường thiệt hại. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hợp pháp - Mặc dù không được sở hữu đất đai tại Việt Nam theo quy định của Luật đất đai, nhưng cá nhân và tổ chức nước ngoài vẫn có thể được sở hữu bất động sản gắn liền với nó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cơ sở cũng như các thủ tục pháp lý để một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam 1/ Cơ sở pháp lý Trước hết, căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Luật nhà ở thì cá nhân, tổ chức nước ngoài mà thỏa mãn các điều kiện tại Điều 169 của Luật nhà ở thì một trong các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo Điều 159, các cá nhân hay tổ chức nước ngoài trên thì phải là: - Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan - Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài). - Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam Các hình thức sở hữu nhà ở của người nước ngoài (tổ chức, cá nhân) có thể kể đến: - Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam - Sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam - Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài giống người Việt. Người nước ngoài sở hữu nhà ở vẫn có đầy đủ các quyền như: cho thuê, tặng cho, góp vốn, để thừa kế,... đối với căn nhà. 2/ Thủ tục mua nhà ở tại Việt Nam Để thực hiện việc mua nhà tại Việt Nam, các loại giấy tờ sau cần phải được chuẩn bị: 1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh theo mẫu quy định 2. Giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở của bên bán; a) Đối với trường hợp mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (bao gồm cả trường hợp mua căn hộ hình thành trong tương lai và mua căn hộ có sẵn); - Quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở thương mại của cơ quan có thẩm quyền; - Hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp - Bản vẽ sơ đồ mặt bằng căn hộ mua bán - Biên bản bàn giao căn hộ kèm theo bản quy đình về quản lý sử dụng chung cư do doanh nghiệp bán nhà áp dụng đối với trường hợp mua căn hộ có sẵn) b) Đối với trường hợp sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại của cá nhân căn hộ có sẵn - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp theo quy định của Luật nhà ở và Nghị định số 60/CP ngày 05/07/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/07/2005 về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng  - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở trên đất được cấp theo quy định của Luật đất đai 2003 3. Bản chính Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hoặc giấy tờ về thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam; 4. Bản sao có chứng thực hộ chiếu nước ngoài và một trong các giấy tờ theo quy; 5. Giấy tờ xác nhận của sàn giao dịch bất động sản về căn hộ đã được giao dịch qua sàn theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nếu mua căn hộ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; 6. Biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật. 3. Về nghĩa vụ đóng phí và thuế: Khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải chịu các khoản nộp ngân sách, thuế, phí và lệ phí có liên quan giống như người Việt Nam trong nước như sau: Tiền sử dụng đất; Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10% trên giá bán; Ngoài ra còn phải chịu khoản phí như: lập bản đồ địa chính và dịch vụ phí hành chính, phí đo, … Các khoản phí trước bạ, lập bản đồ địa chính và dịch vụ, phí hành chính và phí đo vẽ căn hộ thường đưa vào hợp đồng, quy định bên nào phải chịu khi tiến hành các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hợp pháp. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Việc khai thác khoáng sản, gỗ, cát trái phép diễn ra ngày càng phổ biến tại nước ta. Dù Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về hình thức xử lý đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép tuy nhiên vẫn có nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà lén khai thác trái phép các loại khoáng sản trên. Vậy việc không có giấy phép mà khai thác khoáng sản trái phép thì sẽ bị xử lý như thế nào? - VietLawyer sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây. 1. Thế nào là khai thác khoáng sản trái phép? Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010: Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu, các hoạt động khác có liên quan. Trong đó, việc khai thác khoáng sản được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010: Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Do đó, khai thác khoáng sản trái phép được hiểu là một hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thu hồi khoáng sản mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.   2. Xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép 2.1. Xử phạt hành chính hành vi khai thác khoáng sản trái phép Cá nhân, tổ chức vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt theo Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020. 1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể như sau: a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10 m3; b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3; c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3; d) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 30 m3 đến dưới 40 m3; đ) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3; e) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên. 2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản khác trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này, cụ thể như sau: a) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, khoản 3 Điều này; c) Từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trừ khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại, cụ thể như sau: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai dưới 100 tấn; b) Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 100 tấn đến dưới 200 tấn; c) Từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 200 tấn đến dưới 300 tấn; d) Từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 300 tấn đến dưới 400 tấn; đ) Từ 700.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 400 tấn đến dưới 500 tấn; e) Từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 500 tấn trở lên. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn; b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này. Đối với hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung phạt tương ứng với từng mức phạt quy định tại Khoản 1, khoản 2, Khoản 3 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng như Khoản 4 Điều này. Người khai thác khoáng sản trái phép còn bị buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật. 2.2. Truy cứu trách nhiệm Hình sự Bất kì cá nhân hoặc pháp nhân nào khai thác khoáng sản không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) 1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Có tổ chức; d) Gây sự cố môi trường; đ) Làm chết người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”; 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;”. b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý, nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến Hình sự và các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: https://vietlawyer.vn/ để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Hiện nay, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở ngày càng tăng. Vậy điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở như thế nào? Sau đây, Công ty VietLawyer sẽ giúp bạn tìm hiểu. 1. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất ở Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau: 1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Như vậy, để chuyển đất rừng sản xuất lên đất thổ cư phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh) nơi có đất. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dựa trên các căn cứ sau: - Kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và phê duyệt; - Nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất. 2. Hồ sơ chuyển đất rừng sản xuất sang đất ở Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm: - Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất. - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 3. Thủ tục chuyển đất rừng sản xuất sang đất ở Bước 1: Nộp hồ sơ Theo điểm b khoản 1 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ Bước 3: Giải quyết Trong giai đoạn này việc quan trọng nhất của hộ gia đình, cá nhân nếu được phép chuyển mục đích sử dụng đất là thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế thì nộp đúng số tiền và đúng thời hạn theo thông báo. Bước 4: Trả kết quả Kết quả mà hộ gia đình, cá nhân nhận được là quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do UBND cấp huyện ban hành; chỉ khi có quyết định này thì hộ gia đình, cá nhân mới được phép xây dựng nhà ở. Thời hạn giải quyết: Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn giải quyết không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thời gian trên không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Quyền tác giả có được dùng làm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không? - Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Vậy quyền tác giả có được dùng làm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Quyền tác giả có được dùng làm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không? Căn cứ tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Điều 34. Tài sản góp vốn 1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. 2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: 1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, quyền này cũng bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và được công nhận là một loại tài sản. Quyền tác giả cũng theo đó cũng bao gồm quyền tài sản và có thể dùng quyền đó để góp vốn vào các doanh nghiệp, tổ chức. 2. Góp vốn bằng quyền tác giả cần làm những gì? Căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Điều 35. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn 1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. 2. Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn; c) Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; d) Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty. Như vậy, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sảncho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. 3. Không đăng ký quyền tác giả thì có sử dụng quyền tác giả góp vốn được không? Theo khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản là quyền tác giả chỉ được dùng để góp vốn khi đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả và sử dụng tài sản đó để góp vốn vào doanh nghiệp. Điều này để chứng minh chủ sở hữu của tác phẩm, khi tiến hành góp vốn cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn phải được các thành viên, các cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giả chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng có thắc mắc liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp kịp thời.
10 điểm mới trong Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT về đăng ký doanh nghiệp - Ngày 18/04/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/03/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung nổi bật về đăng ký kinh doanh như sau: (1) Định nghĩa một số khái niệm về đăng ký kinh doanh Thông tư bổ sung một số định nghĩa như sau: - Đăng ký hộ kinh doanh là việc hộ kinh doanh đăng ký nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở.  - Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp cho hộ kinh doanh ghi lại những thông tin đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế do hộ kinh doanh đăng ký. GIấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cùng là Giấy chứng nhận đăng ký thuế - Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. (2) Cập nhật quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng  Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng được thực hiện như sau: - Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và nhập thông tin hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh vào hệ thống thông tin; - Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhập thông tin trong hồ sơ đăng ký và tải lên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh; - Thông tin đăng ký hộ kinh doanh được truyền sang Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế. (3) Bổ sung quy định tạo mã số hộ kinh doanh Mã số hộ kinh doanh được xác định đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh. (4) Hướng dẫn ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh Ngành nghề kinh doanh hộ kinh doanh được ghi tương tự như ngành, nghề kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến (5) Trường hợp thông báo địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh Hộ kinh doanh nếu có hoạt động kinh doanh tại một địa điểm khác ngoài trụ sở thì phải thực hiện thông báo địa điểm kinh doanh (6) Quy định về việc cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình dự phòng Việc cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình dự phòng được áp dụng trong các trường hợp sau: - Hệ thống đang trong quá trình xây dưng và nâng cấp  - Hệ thống gặp sự cố kỹ thuật  - Các trường hợp bất khả kháng khác (7) Quy trình đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử - Người nộp hồ sơ thực hiện kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh  - Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy biên nhận hồ sơ và kết quả giải quyết cho người nộp hồ sơ (8) Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng thông tin điện tử được thực hiện theo quy định dưới dạng văn bản điện tử (doc hoặc docx hoặc pdf) (9) Xác định 03 phương thức thanh toán lệ phí đăng ký hộ kinh doanh - Nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cấp huyện; - Chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện  - Thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (10) Cập nhật nhiều mẫu biểu sử dụng trong đăng ký hộ kinh doanh Thông tư bổ sung và thay thế nhiều biểu mẫu sử dụng trong đăng ký hộ kinh doanh  Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer về 10 điểm mới trong Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Cho tôi hỏi việc xác định mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân trong vụ án hình sự có thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định không? Hay chỉ thực hiện khi có người yêu cầu, đề nghị? Thời hạn để giám định mức độ tổn hại sức khoẻ là bao lâu vậy? - Chị Hương Lan (Kom Tum). Công ty Vietlawyer xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau: 1. Có bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân hay không? Căn cứ theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định cụ thể như sau: Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: 1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án; 2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; 3. Nguyên nhân chết người; 4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; 5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; 6. Mức độ ô nhiễm môi trường. Theo đó, trong vụ án hình sự khi cần phải xác định mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân thì bắt buộc phải thực hiện trưng cầu giám định mà không cần phải có yêu cầu, đề nghị của người nào. 2. Thời hạn giám định mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân tối đa là bao lâu? Tại Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn giám định cụ thể như sau: Thời hạn giám định 1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định: a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này; b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này; c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này. 2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định. 3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định. 4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại. Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên và đối chiếu với quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn trưng cầu giám định để xác định mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân tối đa là 09 ngày. Lưu ý: Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc giám định mức độ tổn hại sức khỏe. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Vợ chồng tôi làm ăn thua lỗ, không còn tiền nên muốn bán nhà từ đường để trả nợ có được không? Nhà từ đường này được bố tôi viết di chúc để lại, tôi được quyền quản lý. - Anh T.Tiến ( Bắc Ninh)  Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời như sau:  Theo quy định tại Điều 160 Luật Đất đai 2013 quy định về đất tín ngưỡng như sau: – Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. – Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. – Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của cộng đồng như sau: – Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. – Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. – Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia. Như vậy, đây là tài sản chung của dòng họ bạn, bạn không được quyền bán.  Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì xử lý như thế nào? - Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Vậy hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì xử lý như thế nào? Công ty VietLawyer xin tư vấn như sau: 1. Hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì xử lý như thế nào? Căn cứ tại khoản 5 Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định trường hợp hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì xử lý như sau: - Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập và cá nhân đó không được quyền thành lập thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. - Đối với hộ kinh doanh do thành viên hộ gia đình thành lập và có thành viên không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu hộ kinh doanh đăng ký thay đổi cá nhân đó trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo. Nếu quá thời hạn trên mà hộ kinh doanh không đăng ký thay đổi thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. 2. Hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong những trường hợp nào? Căn cứ tại khoản 1 Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong những trường hợp sau đây: - Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo. - Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế. - Kinh doanh ngành, nghề bị cấm. - Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập. - Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản. - Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer đối với việc hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh. Quý khách hàng có thắc mắc vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để giải quyết kịp thời.
Nhà từ đường có được chia thừa kế không | Luật đất đai | Vietlawyer.vn? là băn khoăn của nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều dòng họ và đã có nhiều khách hàng gửi câu hỏi về Công ty Luật Vietlawyer. Tôi muốn chia thừa kế cho các con là nhà từ đường đứng tên tôi liệu có được không? - Bác V.Thanh (Cao Bằng) Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật VietLawyer. Trên quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi trả lời câu hỏi của bác như sau:  1. Thế nào là nhà từ đường? Nhà từ đường là nơi thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi trong họ đó. Do vậy. về nguyên tắc được xem là công trình thuộc sở hữu chung của tập thể nên do các thành viên của tập thể đồng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán, dựa trên quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. 2. Nhà từ đường có được dùng để chia thừa kế? Tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: 1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. 2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, bác không thể dùng nhà từ đường để chia thừa kế. Bác chỉ được chỉ định người quản lý nhà từ đường. Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
Nội dung ghi nhãn hàng hóa trên thị trường Việt Nam có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không? - Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Vậy, nội dung ghi nhãn hàng hóa trên thị trường Việt Nam có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không? Công ty Luật VietLawyer xin tư vấn như sau: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trị khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc. 1. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được quy định thế nào? Căn cứ Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP), trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được quy định như sau: - Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. - Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình. - Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. - Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. 2. Nội dung trên nhãn hàng hóa trên thị trường Việt Nam có bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt không? Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) về nội dung bắt buộc phải ghi trên hàng hóa như sau: 1. Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: a) Tên hàng hóa; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; c) Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. 2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: a) Tên hàng hóa; b) Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;... Theo đó, những nội dung sau đây bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa: - Tên hàng hóa; - Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; - Xuất xứ hàng hóa. - Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên, đối với những nội dung bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa nêu trên thì phải được ghi bằng tiếng Việt. Trên đây là tư vấn của Công ty Luật VietLawyer, quý khách hàng cần tư vấn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Hiện nay, có nhiều người có hành vi miệt thị ngoại hình của người khác. Vậy hành vi miệt thị ngoại hình của người khác bị xử phạt thế nào? - Huy Chung (Thái Bình) Hành vi miệt thị ngoại hình được xem là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác và bị pháp luật nghiêm cấm. Theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi miệt thị ngoại hình người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Công ty VietLawyer xin giải đáp về vấn đề này như sau: 1. Xử phạt hành chính Hành vi miệt thị ngoại hình nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. Ngoài ra, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nếu có hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội thì có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng và buộc gỡ bỏ hành vi thông tin đó. Mức phạt trên áp dụng với tổ chức, nếu cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½. 2. Truy cứu trách nhiệm hình sự Đối với hành vi miệt thị người khác đến nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cụ thể: - Mặt khách quan: Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. + Thể hiện bằng lời nói: Như chê bai, sỉ nhục, thóa mạ, châm biếm về ngoại hình của người khác một cách thô bỉ, tục tĩu…nhằm vào nhân cách, danh dự, với tính chất là hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác. + Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, xe cộ...(có hoặc không kèm theo lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu riếu. - Mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo về về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. - Mặt chủ quan: Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác. - Mặt chủ thể: Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Khung hình phạt: Người phạm tội có thể phải chịu các khung hình phạt sau: Khung 1: bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung 2: Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm Khung 3: Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Từ quy định trên thì hành vi miệt thị người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trên đây là những chia sẻ của Công ty luật VietLawyer giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc về hành vi miệt thị ngoại hình người khác. Với kinh nghiệm nhiều năm trong mọi lĩnh vực pháp lý nếu khách hàng là cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp lý khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website https://vietlawyer.vn/
 
hotline 0927625666