Những điểm cần lưu ý khi thực hiện hoạt động mua bán nợ? Quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ được quy định như thế nào?
1.Quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 115 BLDS 2015, có quy định như sau:
Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Trước hết, nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Mua bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 450 BLDS 2015, quy định về mua bán quyền tài sản như sau:
Mua bán quyền tài sản
1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.
Như vậy, mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ. Lúc này, nợ trở thành đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như đối với một loại tài sản đặc biệt. Ngoài ra, hợp đồng mua, bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với khoản nợ và đồng thời chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ.
Có thể thấy, giao dịch mua bán nợ sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ.
2.Hình thức của hợp đồng mua bán nợ cần lưu ý những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, thì mua bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-NHNN Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.
Vì vậy, theo quy định trên, hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật VietLawyer trong vấn đề hợp đồng mua bán nợ. Nếu bạn đọc đang có nhu cầu tư vấn và sử dụng dịch vụ pháp lý, hãy chủ động liên hệ ngay với chúng tôi qua Fanpage: Luật sư Việt - Luật sư của bạn hoặc theo hotline số: 0927.625.666 để nhận được sự tư vấn kịp thời.