Quản livestream, dọn "rác" trên mạng xã hội!
Livestream ngày càng trở thành một hình thức truyền tải thông tin mới được ưa chuộng trên mạng internet nhờ sự tiện dụng, nhanh chóng và dễ tiếp cận. Nhìn ở góc độ giao tiếp, đây là công cụ rất tốt, giúp người livestream dễ bộc lộ cảm xúc, hành động, cũng như dễ tiếp cận và nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhiều người.
Tuy nhiên có không ít cá nhân lại dùng livestream lệch chuẩn. Họ dùng livestream để chửi bới, cho mình cái quyền phán xét, nhục mạ, công kích người khác nếu không vừa ý. Mục đích của những livestream xấu độc này là dùng phương thức đưa vào những nội dung giật gân, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, nội dung sai sự thật hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hoá để tăng lượng tương tác, qua đó thu tiền. Hoặc sau khi thu thập được lượng người theo dõi lớn, sẽ dùng những livestream "bẩn" đó để thực hiện bán hàng online. Hoạt động cờ bạc cũng được chiếu trực tiếp trên mạng, liên tục kêu gọi người xem hãy tham gia vào các trò chơi cá độ cờ bạc một cách công khai. Hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật hay thuần phong mĩ tục vân diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội dưới hình thức phát sóng trực tiếp livestream mỗi ngày.
Một đặc điểm của hình thức livestream là diễn ra trực tuyến nên dẫn khó khăn trong việc các nền tảng hay các cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm. Sau livestream, các đối tượng có thể chọn lựa xóa toàn bộ các video vừa phát nên không lưu lại bằng chứng gây khó khăn cho quá trình xử lý.
Chế tài xử lý?
Luật sư Phương - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có nhận định rằng: “Mạng ảo nhưng hậu quả là thật”. Trong Hiến pháp cũng như Luật đều đã quy định rất rõ cái được làm và không được làm. Tự do ngôn luận, bất kỳ ai cũng có quyền đó. Nhưng tự do ngôn luận khác với việc thực hiện quyền ấy một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước.
“Nếu vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội "Vu khống"; "Làm nhục người khác"; "Chuyển hoặc đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông"; "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...”.
Để xử lý "rác" livestream trên mạng xã hội, theo luật sư Phương, việc Chính phủ nhanh chóng phê duyệt dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Bộ TT&TT sẽ là một công cụ hữu hiệu để các cơ quan chức năng dẹp “rác” trên không gian mạng.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó quy định chi tiết việc cung cấp dịch vụ, sử dụng tài nguyên trên internet; đưa ra nguyên tắc, hành lang pháp lý trong việc cung cấp, sử dụng, phát triển dịch vụ của các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, những chế tài quan trọng để thiết lập các trang thông tin này và cung cấp dịch vụ trên các mạng thông tin di động… được Bộ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) đã ban hành năm 2013. Tuy nhiên cho đến nay, qua chục năm thực hiện, đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, hạn chế trong công tác quản lý, đặc biệt là với hình thức livestream đang phổ biến.
Ngày 17/7/2023,Bộ TT&TT đã công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet. Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Nội dung dự thảo có nhiều vấn đề đáng bàn như việc định danh người dùng trên mạng xã hội qua số điện thoại, hay việc cắt Internet những người có hành vi vi phạm trên mạng.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Và điều kiện để các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức là các tài khoản, trang, kênh này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Hiện nay mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền.
Cũng theo dự thảo dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ.
Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.
Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TT&TT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.
Trước đó, Bộ TT&TT cũng có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn…
Bộ TT&TT cũng đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy định khá rõ ràng đối với từng đối tượng như: Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Trước đó, ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Theo đó, có thêm nhiều điều luật nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng. Một trong những điều bị cấm trong Luật An ninh mạng là việc sử dụng không gian mạng để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng.